Sau khi nhận được tin báo từ gia đình ông Hoàng Văn Lan (xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) về việc có lợn chết hàng loạt, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đem đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
>> Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 14 tỉnh phía Bắc
Sáng 14.3, thông tin từ chính quyền xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, sự việc lợn chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi được phát hiện tại xã này vào ngày 12.3.
Theo đó, ngày 12.3 gia đình ông Hoàng Văn Lan (xóm 7,xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) báo cáo chính quyền địa phương có 2 con lợn nái và 20 con lợn con bị chết. Nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu trên lợn chết tại gia đình ông Lan đem đi xét nghiệm và kết quả cho thấy mẫu kiểm tra dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Tiếp đó, chính quyền địa phương đã tiến hành phun hóa chất, vôi bột khử trùng, tiêu độc ở các hộ trong xóm 7 và các xóm tiếp giáp. Toàn bộ số lợn của gia đình ông Lan cũng được chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, các chốt chặn tại địa bàn xã được dựng lên để ngăn chặn các hộ dân mua bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã.
Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong cuộc họp ngày 13.3 đã chỉ đạo huyện Quỳnh Lưu sớm công bố dịch, thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống và dập dịch; tiến hành khoanh vùng, lập các chốt chặn tại những khu vực phát hiện dịch nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.
Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu huyện và các cơ quan chuyên môn cần xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh xâm nhiễm đến các xã chưa có dịch; chủ động triển khai có hiệu quả phương án phòng chống dịch theo phương châm “phòng dịch như chống dịch”.
Trước Nghệ An, trong cả nước đã có 14 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi:Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Điện Biên, HòaBình, Hải Dương (theo số liệu báo cáo của Bộ công thương ngày 12.3).
Quang Cường