Bốn nguồn tin trong ngành chăn nuôi Trung Quốc ước tính khoảng một nửa số lợn giống (lợn nái) nước này đã chết vì tả lợn châu Phi hoặc bị giết mổ khi dịch bệnh lây lan, gấp đôi số liệu chính thức.
Một trong số bốn nguồn tin là ông Edgar Wayne Johnson – nhà sáng lập một doanh nghiệp tư vấn về nông nghiệp tại Bắc Kinh, có quan hệ làm ăn với nhiều khách hàng trên khắp quốc gia châu Á.
Ba giám đốc điều hành khác (thuộc một nhà sản xuất vaccine, một đơn vị cung cấp phụ gia thức ăn chăn nuôi và một đơn vị nghiên cứu giống) dựa trên hiểu biết cá nhân cùng doanh số của công ty của mình cũng đưa ra con số tương tự.
Trước đó, giới chức Trung Quốc tuyên bố đàn lợn giống nước này trong tháng 5 giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp hơn mức giảm tổng đàn lợn. Hôm 24.6 Bộ Nông nghiệp thông báo dịch bệnh đã bị kiểm soát.
Tình trạng sụt giảm mạnh số lượng lợn giống nhiều khả năng gây ra khủng hoảng nguồn cung loại thịt mà người Trung Quốc yêu thích nhất, đẩy giá thực phẩm tăng cao, tàn phá thành phần kinh tế nông thôn.
Lợn giống chiếm khoảng 1/10 tổng đàn lợn Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết sản lượng thịt lợn thường giảm tương ứng với sự sụt giảm đàn lợn giống.
Giá thịt lợn vào tháng 6 tăng chóng mặt. Tuy vậy Bộ Nông nghiệp vẫn cảnh báo vì dịch bệnh, giá có thể tăng thêm 70% trong vài tháng tới. Thịt lợn chiếm hơn 60% tổng lượng thịt mà người dân quốc gia châu Á tiêu thụ.
Những trường hợp bị che giấu
Sau khi xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái, dịch tả lợn châu Phi nay lây lan khắp mọi tỉnh thành Trung Quốc lẫn các nước láng giềng bất chấp chính quyền Bắc Kinh nỗ lực ngăn chặn.
Bên cạnh hơn 100 điểm bùng phátchính quyền công bố, Reuters dẫn lời bốn nông dân cùng một quan chức tiết lộ có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh miền nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam bị che giấu.
Một nông dân ở huyện Bác Bạch thuộc Quảng Tây – nguồn cung thịt lợn lớn hàng đầu cho hay: “Hầu hết lợn tại đây đều đã chết. Nhưng chúng tôi không được phép báo cáo, giới chức địa phương yêu cầu không lan truyền “tin đồn” về dịch bệnh”.
Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, Hà Bắc, Hà Nam cùng Sơn Đông được xác định là ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Theo nông dân và nhà chăn nuôi quy mô lớn làm ăn với ông Johnson thì hơn 50% trang trại nuôi lợn tại Sơn Đông hiện đều trống rỗng. Chính quyền sở tại báo cáo chỉ có 1 điểm bùng phát, tuy nhiên tính đến tháng 2.2019 đàn lợn giống giảm đến 41%.
Hà Nam báo cáo 2 điểm bùng phát, lượng lợn giống quý 1 năm nay giảm 16,5%. Hà Bắc báo cáo 1 điểm, vậy mà lợn giống mất đến 32%.
Giới chức Trung Quốc cố kêu gọi người dân tái đàn nhưng nhiều chuyên gia nhận định làm vậy quá rủi ro. Virus tả lợn châu Phi có thể tồn tại bên ngoài vật chủ trong nhiều tuần, đủ sức sống sót ở trang trại chưa khử trùng triệt để.
Nông dân huyện Bác Bạch chia sẻ: “Tôi không dám nuôi lợn nữa. Virus vẫn còn”.
Cẩm Bình (theo Straits Times)