Nhà sản xuất Blackphone 2 treo giải cho hacker nào xâm nhập được hàng rào bảo mật của dòng điện thoại bảo mật này.
Hacker sẽ nhận được số tiền 128 đô-la Mỹ nếu phát hiện được bất cứ lỗ hổng bảo mật nào của Blackphone 2. Nhưng để mua được một chiếc Blackphone, họ phải bỏ ra một số tiền khá lớn là 649 đô-la Mỹ.
Công ty Silent Circle, nhà phát triển công nghệ mã hóa cho Blackphone 2, cho biết số tiền thưởng có thể còn cao hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng. Silent Circle là công ty do huyền thoại bảo mật Internet Phil Zimmerman sáng lập.
Công ty này đã hợp tác với hãng sản xuất điện thoại thông minh Geeksphone cho ra đời sản phẩm Blackphone với khẩu hiện là “điện thoại thông minh đầu tiên trên thế giới bảo vệ sự riêng tư và người sử dụng có thể kiểm soát trực tiếp”.
Theo cam kết từ công ty của Zimmerman và Geeksphone, các bản vá lỗi sẽ được cung cấp kịp thời chỉ trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, giới hacker lại gán cho Blackphone biệt danh “NSA-proof” để chế giễu điện thoại này từng bị họ hạ đo ván trước đây.
Điện thoại bảo mật Blackphone 2 được thiết kế dựa trên phiên bản Blackphone tiền nhiệm, có vẻ ngoài chuyên nghiệp hơn với màn hình 5.5 inch và Full HD. Điện thoại chạy trên nền tảng PrivatOS, tương thích với các ứng dụng của Android.
Điểm đặc biệt của Blackphone 2 là khả năng tạo ra các hồ sơ người dùng khác nhau trên hệ điều hành. Mỗi tài khoản hoàn toàn độc lập với nhau, việc chuyển đổi giữa các tài khoản sẽ giống như bạn đang sử dụng một điện thoại khác.
Mặc dù phiên bản tiêu chuẩn của Android cũng có thể tạo ra nhiều thông tin đăng nhập, Blackphone được đánh giá là an toàn hơn. Hệ điều hành PrivatOS thuận lợi cho việc điều hướng và kiểm soát. Các thiết lập bảo mật trên điện thoại cho phép người dùng quản lý thông tin đến và đi từ tất cả các ứng dụng.
Người dùng có thể bảo mật các cuộc gọi, tin nhắn và thông tin liên lạc với các ứng dụng Silent Phone, Silent Text, và Silent Contacts trên Google Play store.Các ứng dụng của Blackphone cho phép người sử dụng cũng không cần lo lắng khi bị mất điện thoại vì có thể xóa các dữ liệu từ xa.
Quỳnh Trang Davien (theo Popsci)