“Tôi không nghĩ việc Hội đồng duyệt phim quốc gia khi thẩm định cho công chiếu bộ phim, nhất là trong thời điểm “nhạy cảm” này là hoàn toàn vô can, cho dù đã làm việc theo đúng “quy trình” và chỉ xem xét về khía cạnh nghệ thuật giải trí”, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói.

Điệp vụ Biển Đỏ: Đừng so đo lý lẽ, hãy lường định ý đồ của TQ dù chỉ là phim ảnh

Trí Lâm | 28/03/2018, 06:06

“Tôi không nghĩ việc Hội đồng duyệt phim quốc gia khi thẩm định cho công chiếu bộ phim, nhất là trong thời điểm “nhạy cảm” này là hoàn toàn vô can, cho dù đã làm việc theo đúng “quy trình” và chỉ xem xét về khía cạnh nghệ thuật giải trí”, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói.

Liên quan đến bộ phimĐiệp vụ Biển Đỏ của Trung Quốc được công chiếu tại Việt Nam, đoạn cuối phim có cảnh tàu quân sự Trung Quốc xua đuổi tàu khác tại vùng biển Trung Quốc cho rằng là lãnh hải của họ.

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) khẳng định không có căn cứ để kết luận"Điệp vụ Biển Đỏ"có vấn đề về nội dung, tư tưởng.

"Trên thực tế, 36 giây cuối, phim thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và thấy một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét; loa từ tàu Trung Quốc phát ra: "Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay". Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo", thông cáo của Bộ VH-TT-DL ghi rõ.

Tuy nhiên, trước quan điểm này của Bộ VH-TT-DL, nhiều chuyên gia lại có quan điểm khác hẳn. Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ về vấn đề này.

- Thưa ông, việc Bộ VH-TT-DL trả lời báo chí về bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ có nêu chi tiết “lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông”. Theo ông, điều này được hiểu thế nào?

TS Trần Công Trục:Xét về mặt pháp lý, nói rằng “lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông” là không sai. Lý do là Biển Đông là vùng biển có nhiều tên gọi khác nhau. Mặc dù Trung Quốc có dụng ý dùng tên gọi “Nam Hải” hay biển “Nam Trung Hoa” để nhận vơ rằng quốc tế đã thừa nhận vùng biển này là của Trung Quốc. Nhưng dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế, tên gọi không liên quan gì đến chủ quyền quốc gia, không có giá trị để minh chứng cho chủ quyền quốc gia đối với một vùng biển cho dù tên của vùng biển đó được gọi theo tên của quốc gia nào đó.

Ví dụ như Ấn Độ Dương không phải của chỉ riêng Ấn Độ, Vịnh Thái Lan không phải chỉ của Thái Lan… Như vậy, cho dù vùng biển nàyđược gọi là “Nam Hải”, “Nam Trung Hoa”, không có nghĩa là vùng biển này là của riêng Trung Quốc; theo đó, “Biển Đông” không phải là của riêng Việt Nam và “Biển Tây Philippines” cũng không phải là của riêng Philppines…

Biển Đông là một vùng biển mà các quốc gia ven biển đều được quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa của riêng mình theo đúng quy định của UNLOS 1982.

Trung Quốc là một quốc gia ven biển nằm về phía bắc Biển Đông và theo đúng quy định của UNCLOS 1982, Trung Quốc cũng có quyền có các vùng biển và thềm lục địa tính từ bờ đảo Hải Nam và bờ lục địa phía nam Trung Quốc.

Cụ thể, tại khu vực phía bắc Biển Đông, Trung Quốc có quyền xác lập “lãnh hải” có chiều rộng tối đa không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ đảo Hải Nam và bờ lục địa phía nam Trung Quốc.

Nhân đây, tôi cũng xin lưu ý rằng: thuật ngữ “lãnh hải” theo Công ước Luật Biển 1982 là “territorial water”, nghĩa là “lãnh thổ biển” của quốc gia ven biển, không phải là “hải phận” (maritime areas). Nếu Trung Quốc dùng thuật ngữ “Hải phận” thì có hàm ý bao gồm cả các vùng biển khác nữa, chứ không chỉ là “lãnh hải” 12 hải lý…

Cho nên, khách quan mà nói, ở phút cuối của bộ phim là cảnh một vùng biển rộng lớn, với những chiếc chiến hạm tối tân, hiện đại của hải quân bao vây một chiếc tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển không có tọa độ, không có bất kỳ một dấu mốc nhận biết cụ thể nào… thì cũng chưa đủ căn cứ để kết luận rằng “vùng biển rộng lớn” đó là toàn bộ Biển Đông, cho dù ai cũng biết rằng đây là một sự dàn dựng có chủ ý của phía Trung Quốc như đã phân tích nói trên.

- Nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra sức quảng bá cho bộ phim này và có khẳng định đó là vùng Nam Sa (tự xưng), thực chất là Trường Sa của Việt Nam, thưa ông?

TS Trần Công Trục: Nếu căn cứ vào đích thị lời nói và hình ảnh trong bộ phim thì không có chuyện họ nêu Nam Sa, cho nên mình cũng không thể suy diễn. Tất nhiên bất kỳlàm một việc gì mà liên quan trên biển thường là phía Trung Quốc sẽ lồng vào ý đồ của họ trong việc hợp thức hóa yêu sách. Điều đó chúng ta đã tính từ trước và chúng ta rất cảnh giác.

Việc mà Bộ Quốc phòng quảng bá cho phim này với ý đồ của họ thì rõ ràng là càng khẳng định thêm rõ ràng bộ phim này hoàn toàn là Trung Quốc đã có tính toán, kể cả những cái bẫy pháp lý.

Vì vậy, đối với việc xem xét, đánh giá và thẩm định những loại phim nhạy cảm này cần phải rất cảnh giác và thận trọng. Không chỉ là dùng vào các hình thức thể hiện mà còn các âm mưu sâu xa của nó, bản chất của vấn đề để có những cân nhắc cần thiết để tránh những hệ lụy rất phức tạp không chỉ về mặt pháp lý, chính trị mà cả dư luận nữa, gây rắc rối cho ổn định xã hội.

- Theo Luật Biển quốc tế, nếu các tàu thuyền qua lại vô hại tại lãnh hải các quốc gia thì quốc gia đó có quyền xua đuổi hay không, thưa ông?

TS Trần Công Trục:Theo Công ước Luật Biển 1982, quy chế pháp lý của lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, đã quy định rất rõ ràng. Trong đó có những quy định đảm bảo quyền tự do đi lại của tất cả các loại tàu thuyền hoạt động trên biển.

Chẳng hạn, trong lãnh hải, tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu quân sự được quyền “đi qua vô hại”; trong vùng đặc quyền kinh tế, được quyền “tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt cáp ngầm và ống dẫn dầu. Tất nhiên theo những điều kiện cần thiết để không làm ảnh hưởng và cản trở đến việc thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc ven biển.

Vì vậy, nếu lời cảnh báo được phát ra từ tàu hải quân Trung Quốc nói trên trong đoạn cuối là chưa phù hợp với quy chế nói trên, không đúng với chức trách của lực lượng hải quân theothônglệ quốc tế.

Một cảnh về Biển Đông trong bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ khiến dư luận phản ứng

- Ông nhìn nhận thế nào về việc Trung Quốc liên tục đẩy mạnh tuyên truyền để đơn phương yêu sách về phần lớn Biển Đông là của họ? Giữa việc bộ phim này và đường lưỡi bò có điểm nào liên quan hay không, thưa ông?

TS Trần Công Trục:Những hoạt động ngày càng bất chấp luật pháp và những cam kết quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua, không chỉ sử dụng vũ lực, mà còn dùng các thủ thuật thủ đoạn kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa, giáo dục… nhằm xâm chiếm lãnh thổvà tìm cách giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách phi lý của họ trong Biển Đông.

Cụ thể là, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch,hình ảnh đường “lưỡi bò”, địa danh tiếng Trung dùng để gọi các vùng biển,đảo của Việt Nam, xuất hiện trong nhiều ấn phẩm như:bản đồ, sơ đồ,sách giáo khoađịa lý, lịch sử, phim ảnh, thậm chí đồ chơi trẻ em… được phát hành rộng rãi và đã tuồn vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Việt Nam cũng đã từng phát hiện và thu hồi, hủy bỏ nhiều ấn phẩm đó.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều ấn phẩm chứa đựng các thông tin “độc hại” nói trên vẫn bị lọt lưới. Phần thì do vô tình, phần thì do kém hiểu biết, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệmcủa một số cá nhân, cơ quan chuyên trách…

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm khắc các sai sót này, cho dù vô tình hay cố ý, và đã được dư luận hoan nghênh…

- Theo ông, trách nhiệm của Hội đồng duyệt phim thế nào khi để lọt một chi tiết nghiêm trọng như vậy? Hơn nữa bộ phim lại được công chiếu vào dịp 30 năm Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma?

TS Trần Công Trục:Tương tự như đã phân tích ở trên, tôi không nghĩ việc Hội đồng duyệt phim quốc gia khi thẩm định cho công chiếu bộ phim, nhất là trong thời điểm “nhạy cảm” này là hoàn toàn vô can, cho dù đã làm việc theo đúng “quy trình” và chỉ xem xét về khía cạnh nghệ thuật giải trí…

Tôi cho rằng sai sót ở đây là hội đồng cũng như cơ quan chủ quản chưa đề cao tinh thần cảnh giác và chưa quan tâm nhiều đến các thủ thuật, thủ đoạn của Trung Quốc như tôi đã trình bày ở trên.

Vì vậy, điều mà tôi muốn đề cập ở đây là, đối với những nội dung có liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích của đất nước, dân tộc, nhất là trong bối cảnh tranh chấp phức tạp đang xảy ra trong Biển Đông hiện nay, chúng ta nên rất thận trọng.

Theo đó, phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học và cầu thị. Đặc biệt phải cảnh giác, đừng để rơi vào “cạm bẫy” bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta.

Muốn tránh được những sai lầm đáng tiếc nói trên, thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và cần có chế tài đặc biệt để xử lý các vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia.

Mua phim đừng chỉ nghĩ đến lợi nhuận

Theo ôngLê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, lúc kiểm duyệt bộ phim, cơ quan chức năng đã không chặt chẽ, để lọt những chi tiết không có lợi cho Việt Nam.

“Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố lãnh hải và đường 9 đoạn của họ trên Biển Đông, nhưng việc này không được quốc tế chấp nhận. “Đường lưỡi bò” do họ tự vẽ trên bản đồ không có giá trị pháp lý”, ông Phụng nói và nhấn mạnh, nếu như Cục Điện ảnh mà cho rằng lãnh hải của Trung Quốc ở khu vực đó thì rất khó chấp nhận.

Ông Lê Công Phụng cũng cho rằng, Biển Đông có chủ quyền của nhiều quốc gia, tuy nhiên, tàu thuyền được qua lại vô hại tại các lãnh hải. Nếu Trung Quốc xua đuổi tàu thuyền thì đã vi phạm luật pháp quốc tế.

“Nếu mua phim về chiếu mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận, không nghĩ đến hậu quả, không xem xét kỹ thì rất đáng lo”, ông Phụng nói.

Trí Lâm – Trịnh Giang thực hiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điệp vụ Biển Đỏ: Đừng so đo lý lẽ, hãy lường định ý đồ của TQ dù chỉ là phim ảnh