Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị hướng dẫn, tổ chức thanh toán bổ sung các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân, trong đó điều chỉnh mức hưởng cho người tham gia lên mức 100% theo quy định mới.
Bộ Y tế cho biết sẽ thanh toán bổ sung các chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện, cơ sở y tế vượt tổng mức thanh toán từ ngày 1.1.2019 theo quy định lên mức hưởng 100%. Tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai và đôn đốc thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP tới các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc phạm vi quản lý, phụ trách; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người có thẻ BHYT để người dân biết và thực hiện đúng quy định.
Bộ Y tế cũng lưu ý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lãng phí, tiêu cực, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; thực hiện nghiêm các quy định khám bệnh, chữa bệnh BHYT, triệt để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ người bệnh BHYT, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về bộ.
Trước đó, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã thảo luận về quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Theo thạc sĩ Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), việc cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là một trong những trách nhiệm của cơ sở, được quy định trong luật và nhiều văn bản. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) dẫn đến việc thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế. Hiện nay, theo quy định của Luật BHYT, có 3 trường hợp người bệnh được thanh toán chi phí trực tiếp với cơ quan BHXH.
Thứ nhất: Trường hợp người bệnh phải khám tại cơ sở y tế chưa ký hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại một cơ sở y tế, tuy nhiên cơ sở này chưa ký hợp đồng BHYT.
Thứ 2: Trong một số trường hợp nhất định, khi người bệnh đi thanh toán mà có thiếu sót về mặt trình tự thủ tục thì vẫn được thanh toán lại với cơ quan BHXH, nhưng trường hợp này mức thanh toán vẫn rất thấp.
Thứ 3: Những trường hợp đặc biệt khác.
Theo bà Trang, Bộ Y tế đang cân nhắc xem liệu có thể vận dụng những trường hợp này để dự thảo các quy định về thanh toán trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì các lý do khách quan... Đồng thời, cần có những giải pháp để làm sao không bị lạm dụng những trường hợp này nhằm tránh việc trục lợi quỹ BHYT.
"Đây không phải là điều khuyến khích mà chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng. Vẫn cần có các biện pháp lâu dài, căn cơ về mặt tổ chức thực hiện mua sắm, bảo đảm cung ứng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế để có thuốc cho bệnh nhân…", bà Trang nói.