Ngày 30.11, tại TP.Cần Thơ diễn ra Tọa đàm Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP.HCM - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều đại biểu nêu lên những thuận lợi và khó khăn, thách thức khi xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đường sông.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Định hướng phát triển du lịch đường sông TP.HCM - ĐBSCL

Văn Kim Khanh 30/11/2024 18:43

Ngày 30.11, tại TP.Cần Thơ diễn ra Tọa đàm Định hướng phát triển sản phẩm du lịch đường sông TP.HCM - đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiều đại biểu nêu lên những thuận lợi và khó khăn, thách thức khi xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đường sông.

htdl-7.jpg
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Trung Phạm

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng: “Với hệ thống sông ngòi hơn 28.000km và hệ thống kênh rạch dày đặc, trải rộng trên cả vùng; với sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt là văn hóa sông nước phương nam gắn với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL có tiềm năng lớn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với sông nước và văn hóa sông nước. Bên cạnh đó, với hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè kết nối với các tỉnh vùng ĐBSCL, TP.HCM cũng có rất nhiều cơ hội để hình thành các chương trình du lịch liên kết đến miền Tây Nam Bộ bằng đường thủy. Chính vì vậy, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL là du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, nghỉ dưỡng và biển đảo".

Với ý nghĩa đó, nhằm phát huy thế mạnh sông nước và văn hóa sông nước của vùng trong xây dựng các sản phẩm, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM, trong đó có định hướng xây dựng các sản phẩm tầm trung và tầm xa từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận và ngược lại.

htdl-8.jpg
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - Ảnh: Trung Phạm

Thực hiện các định hướng đó, trong thời gian qua, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát tuyến điểm du lịch đường sông kết nối TP.HCM với 9 tỉnh thành ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh và Bến Tre, để đánh giá thực trạng cầu bến, các cơ sở dịch vụ du lịch và các tuyến du lịch dọc tuyến sông, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đường sông chất lượng cao và đa dạng. Chuyến khảo sát là cơ sở để Sở Du lịch TP.HCM có cái nhìn tổng quan về tiềm năng và thách thức khi khai thác, mở rộng các tuyến du lịch, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp du lịch để đưa ra những đề xuất phù hợp.

cho-noi-cai-rang.jpg
Chợ nổi Cái Răng, sản phẩm du lịch đặc trưng của đường sông Cần Thơ - Ảnh: Đăng Huỳnh

Hội thảo hôm nay (30.11) là một trong các bước đột phá trong chương trình liên kết vùng nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng đặc sắc, có tính cạnh tranh cao, hướng đến phát triển bền vững cho cả vùng.

htdl-11.jpg
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Ảnh: Trung Phạm

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần cho rằng, ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, bờ biển dài 700km, dân số trên 18 triệu người, chiếm 21% dân số của cả nước, đây là vùng đất trù phú. Ngoài ra ĐBSCL là vùng đất đa dạng sinh học, có những khu rừng nguyên sinh, 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, mà còn là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Ước tính năm 2024, lượng du khách đến ĐBSCL đạt trên 52 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt trên 62 nghìn tỉ đồng. Riêng đối với TP.Cần Thơ, ước tính năm 2024 tổng lượng khách đến tham quan, du lịch là 6,3 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) cho rằng tọa đàm định hướng tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đường sông kết nối TP.HCM - các tỉnh thành vùng ĐBSCL và công bố tuyến du lịch đường sông kết nối TP.HCM với các tỉnh thành vùng ĐBSCL là một định hướng phát triển đúng, cần phải nhìn rõ điểm mạnh, điểm yếu và vấn đề đầu tư phát triển.

mk-1.jpg
Du lịch trên sông rạch ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 10 bài tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, giao thông, môi trường ở Trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học trên toàn quốc.

Nội dung các tham luận cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc phát triển du lịch đường sông ở TP.HCM và các tỉnh thành vùng ĐBSCL hiện nay, từ thực tiễn về phát triển du lịch đường sông, về các yếu tố tác động đến hoạt động du lịch đường sông như công tác quy hoạch, quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy, bảo vệ môi trường, xây dựng dựng sản phẩm... đến các giải pháp về cơ chế, chính sách đầu tư, xúc tiến quảng bá...

mk-2.jpg
Du thuyền Mỹ Khánh hoạt động trên sông Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét: “Buổi tọa đàm định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đường sông kết nối TP.HCM - các tỉnh thành vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả. Có nhiều ý kiến hay đến từ nội dung tham luận của các khách mời, Ban tổ chức xin tiếp thu và đúc kết lại để thực hiện chương trình kết nối đạt hiệu quả từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
5 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Định hướng phát triển du lịch đường sông TP.HCM - ĐBSCL