"Việc giảm thuế GTGT tạo ra cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát cũng như giảm tải chi phí đầu vào cho doanh nghiệp".
Kinh tế - đầu tư - dự án

Giảm thuế GTGT sẽ tạo cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế

Tuyết Nhung 21:32 29/11/2024

"Việc giảm thuế GTGT tạo ra cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát cũng như giảm tải chi phí đầu vào cho doanh nghiệp".

Thông tin trên được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024 với chủ đề "Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế" ngày 29.11.

Trong năm 2024, mặc dù đại dịch COVID-19 đã được đẩy lùi, nhưng tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với những khủng hoảng mới về suy thoái kinh tế, mâu thuẫn nước lớn, mâu thuẫn địa chính trị, đặc biệt là xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraina, Hamas - Isarel... phá vỡ sự bình ổn của nền kinh tế thế giới.

3(1).jpg
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024

Đối với Việt Nam, do nền kinh tế có độ mở lớn nên khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tiêu cực, khiến cho các doanh nghiệp trong nước chưa kịp phục hồi sau đại dịch lại phải đối mặt với những thách thức đến từ bên ngoài.

Trước tình hình trên, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng với những giải pháp về thuế có tính kích thích cao đối với nền kinh tế trong năm 2024 như: giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế bảo vệ môi trường (BVMT), giảm một số khoản phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất...

Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2024, Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10% (còn 8%) tại các nghị quyết của Quốc hội.

Như vậy, chính sách giảm 2% thuế GTGT đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% được thực hiện từ 1.1.2024 đến hết 31.12.2024. Việc giảm thuế GTGT tạo ra cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát cũng như giảm tải chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Đồng thời, giá thành sản phẩm giảm xuống cũng góp phần kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Việc tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 đã góp phần bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

"Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện các chính sách giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, song việc áp dụng các chính sách này đã kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo đà tăng trưởng kinh tế, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Thống kê đến hết tháng 10.2024, tổng thu (thu dầu thô và thu nội địa) ước đạt 1.408,5 nghìn tỉ đồng, đạt 94,8% dự toán, bao gồm: thu từ dầu thô ước đạt 48,9 nghìn tỉ đồng, bằng 106,2% dự toán; thu nội địa ước đạt 1.359,6 nghìn tỉ đồng, bằng 94,4% dự toán", Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết.

Ngoài các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí nêu trên, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2024. Theo đó, dự kiến số thuế và tiền thuê đất được gia hạn trong năm 2024 khoảng 94.700 tỉ đồng.

Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho rằng, trước bối cảnh kinh tế suy thoái, tỷ giá có nhiều biến động, các đơn hàng có chiều hướng giảm. Việc Chính phủ tiếp tục cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2024 là động lực giúp cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Việc được gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian huy động nguồn vốn trong những lúc khó khăn để phục vụ hoạt động thu mua nguyên liệu, hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy. Đồng thời, thời hạn nộp thuế đối với các khoản thuế được gia hạn chậm nhất trong năm 2024 nên không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Phó tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, năm 2025 dự báo tình hình biến động của thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, khó lường và sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước. Vì vậy Quốc hội, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2025.

Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu trong nền kinh tế.

"Các chính sách hỗ trợ về thuế dự kiến áp dụng trong năm 2025 sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích thích tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội", ông Minh cho hay.

Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đánh giá tác động, ông Phớc cho hay dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương khoảng 26,1 nghìn tỉ đồng (khoảng 4,35 nghìn tỉ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa khoảng 2,85 nghìn tỉ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỉ đồng/tháng).

Đánh giá tác động đến người dân và doanh nghiệp, Phó thủ tướng nêu rõ, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống người dân.

Đối với doanh nghiệp thì việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Bài liên quan
Tiếp tục giảm thuế GTGT để “khoan thư sức dân”
Các chuyên gia cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT có tác dụng nhiều mặt, góp phần “khoan thư sức dân”. Do đó, việc giảm thuế nên kéo dài cả năm 2024 và cần có nghị quyết sớm từ đầu năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
40 phút trước Sự kiện
Thủ tướng yêu cầu các dự án luật cần đảm bảo vừa có thể quản lý được nhưng cũng cần đảm bảo thông thoáng để huy động các nguồn lực trong xã hội, phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm thuế GTGT sẽ tạo cơ hội giảm mặt bằng giá cả của nền kinh tế