Dinh Thượng Thơ gần 160 năm tuổi sẽ bị đập bỏ để một tòa nhà hành chính được dựng lên! Người Sài Gòn khóc thương. Những nhà văn hóa, nhà chuyên môn về quy hoạch đô thị, về bảo tồn di sản tiếc xót xa. Mặc tất cả, buổi họp báo định kỳ sáng ngày 2.5.2018 cho thấy quyết tâm của các vị nắm quyền là làm theo ý mình.

Dinh Thượng Thơ Sài Gòn và buổi họp báo định kỳ của chính quyền thành phố

05/05/2018, 08:09

Dinh Thượng Thơ gần 160 năm tuổi sẽ bị đập bỏ để một tòa nhà hành chính được dựng lên! Người Sài Gòn khóc thương. Những nhà văn hóa, nhà chuyên môn về quy hoạch đô thị, về bảo tồn di sản tiếc xót xa. Mặc tất cả, buổi họp báo định kỳ sáng ngày 2.5.2018 cho thấy quyết tâm của các vị nắm quyền là làm theo ý mình.

Dinh Thượng Thơ - Ảnh tư liệu/Internet

Ông Huỳnh Xuân Thụ (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) cho rằng “Dinh Thượng Thơ ở góc độ nghệ thuật kiến trúc không có gì đặc biệt để phải giữ lại”. Trời đất, một bộ đĩa gốm sứ Minh Long rất đẹp cũng ngàn lần không thể so sánh được với cái chén bể thời Minh! Tuổi của tòa nhà bằng phân nửa tuổi của Sài Gòn, chỉ chi tiết đó thôi cũng quá đáng giá bảo tồn rồi, chưa nói tới các chức năng nó từng có trong suốt 160 năm lịch sử đầy biến động. Công tác quy hoạch phải có nền tảng văn hóa, lịch sử sâu sắc chứ ai lại nông cạn thế.

Mà thôi, ý ông Thụ là vậy. Nhưng còn ý kiến của dân chúng, của các nhà văn hóa, sử học, bảo tồn...? Dù không đồng ý với họ, ít ra ông cũng nên dừng lại, lắng nghe thêm. Nên thăm dò ý kiến của dân thành phố, hay ít ra tìm một cách nào để hiểu ý dân hơn. Ít ra, về lý thuyết, ông là người được dân thuê để làm việc cho họ. Làm theo ý họ chứ đâu phải áp đặt ý của ông bất chấp mong muốn của họ?

Phát biểu của ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, càng khiến người ta cảm nhận sự lúng túng và thụ động đối phó trước ý kiến phản biện, ngược chiều của dân chúng. Ông nói “TP cũng đã xem xét kỹ, công trình này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao. Chỉ cần trong danh sách, dù chưa được kiểm kê cũng sẽ được đối xử như di tích”. Trời ơi, câu hỏi chính là tòa nhà có nên được bảo tồn như một địa chỉ văn hóa, kiến trúc, một chứng nhân của biết bao sự kiện lịch sử thành phố, chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm, tâm tình và ân tình dân chúng... chứ người dân đâu muốn nghe ông bào chữa rằng “không có tên trong danh sách”!? Dân chúng cần một người lãnh đạo ngành có bản lĩnh chuyên môn, có dũng khí trí thức, dám nhận trách nhiệm đưa ra ý kiến...

VẤN ĐỀ CỐT LÕI mà người dân muốn nghe ý kiến của các ông là:

Nên bảo tồn hay không?

Nếu NÊN bảo tồn thì có kế hoạch hành động gì cho quyết định bảo tồn?

Nếu KHÔNG NÊN bảo tồn thì sẽ làm gì để thuyết phục được dân? Người lãnh đạo có thể có ý khác dân, nhưng cần phải thuyết phục, chứ không phải áp đặt cho dân chúng. Chính dân chúng là người quyết định thông qua các đại diện họ thực sự chọn lựa, hoặc qua trưng cầu dân ý.

Có người thiết tha với Sài Gòn đã viết bài Vĩnh Biệt Dinh Thượng Thơ Sài Gòn, một bài mà chắc ai có lòng với Sài Gòn cũng nghe từng tiếng khóc thương. Tôi không tuyệt vọng như tác giả bài viết đó, nên xin để nghị:

ĐỀ NGHỊ DỪNG PHÁ BỎ DINH THƯỢNG THƠ SÀI GÒN để thu thập ý kiến và thảo luận thêm.

1) Tổ chức những buổi thảo luận công khai trên các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, để mỗi bên trình bày ý kiến.

3) Điều trần trước Hội đồng Nhân dân TP.

4) Hội đồng Nhân dân TP quyết định.

Nếu ở vị trí các ông, tôi sẽ làm như trên, vì nó đem lại nhiều cái lợi cho dân chúng và cho tôi.

Lợi thứ nhất: Tôi biết được ý dân hơn, hiểu lập luận của họ, của các nhà văn hóa, chuyên môn kiến trúc, quy hoạch, bảo tồn di sản... Kiến thức của tôi được nâng cao hơn, mở rộng hơn.

Lợi thứ hai: Tôi sẽ thực hiện điều dân muốn, dân ủng hộ và dân quyết. Dân sẽ ủng hộ tôi.

Lợi thứ ba: Tôi thực hiện được chức trách lớn nhất của mình là phụng sự dân chúng.

Lợi thứ tư: Tham gia tổ chức đưa chính quyền và dân chúng gần nhau hơn. Đưa các hoạt động chính quyền công khai với dân hơn. Nghĩa là góp phần nâng cao tính thực chất của dân chủ hơn.

Ngoài ra, việc dừng phá bỏ để tìm hiểu thêm ý dân còn rất cần vì lý do này nữa: Tòa nhà đập đi là vĩnh viễn mất luôn. Nếu chậm lại, hỏi ý của dân cho biết chắc chắn lòng dân thì có thể tránh được sai lầm không thể sửa chữa! Nếu đó thực sự là sai lầm thì sai lầm này là quá lớn, quá đau. Nguy cơ của một sai lầm lớn, đau đớn và không thể sửa chữa như vậy có cần một sự cẩn thận và thấu đáo hơn không?

Trong hoàn cảnh TP.HCM đã và đang có nhiều sai lầm không thể sửa, đã và đang có nhiều mù mờ trong việc quyết định và tiến hành các dự án xây dựng lớn và đập phá các di tích mang lịch sử, tình cảm và tâm hồn thành phố, sự cẩn thận này càng cần thiết hơn nữa!

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dinh Thượng Thơ Sài Gòn và buổi họp báo định kỳ của chính quyền thành phố