Sáng 17.9 tại Hà Nội, Tổng Cục Môi trường Việt Nam (VEA) đã phối hợp với Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (DN), với chủ đề niềm tin người tiêu dùng. 

DN Việt cần đề cao người tiêu dùng để đánh bại DN Hàn, Thái...

Một Thế Giới | 17/09/2014, 16:00

Sáng 17.9 tại Hà Nội, Tổng Cục Môi trường Việt Nam (VEA) đã phối hợp với Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) tổ chức Diễn đàn Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (DN), với chủ đề niềm tin người tiêu dùng. 

Đây là thảo luận nằm trong chuỗi hoạt động của Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững" với mục đích tăng cường nâng cao hiểu biết chung về nhu cầu, thách thức và cơ hội của doanh nghiệp gắn liền với các chủ đề cốt lõi của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. 
Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các DN Việt đang đứng trước những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh. 
Thời gian gần đây, thị trường phân phối - bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự có mặt của các nhà bán lẻ lớn như Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) hoặc đang chuẩn bị thâm nhập thị trường như E-Mart (Hàn Quốc), Takashimaya (Nhật Bản), Auchan (Pháp) bên cạnh các doanh nghiệp lớn đã ở Việt Nam nhiều năm trước như Metro, BigC, Parkson. 
Việc hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi DN Việt cần phải đổi mới chiến lược kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường nội địa, giữ lòng tin của người tiêu dùng.
Theo bà Loan, để nâng cao lòng tin người tiêu dùng, trước hết các DN phải giữ chữ tín. Cụ thể, chữ tín đối với người tiêu dùng tức là coi người tiêu dùng là trung tâm, coi 8 quyền của người tiêu dùng là mục tiêu. 
Những quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được bồi thường, quyền được giáo dục về tiêu dùng, quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững.
"Thị trường nội địa trở nên tin cậy đối với người tiêu dùng khi DN thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tức là bảo đảm các quyền lợi của người tiêu dùng. Cho nên cần có phối hợp đồng bộ giữa DN sản xuất, DN phân phối - bán lẻ, cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng. 
Còn hiện nay, DN nào không giữ được chữ tín thì sẽ không thể phát triển bền vững. Lấy người tiêu dùng làm trung tâm không chỉ là nêu lên khẩu hiệu, mà phải coi là chủ trương, chiến lược của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng" - bà Loan nhấn mạnh.
Đại diện cho người tiêu dùng, bà Nguyễn Hoàng Ánh đề cập đến một khía cạnh không quá mới mẻ nhưng lại ít được quan tâm hiện nay là quảng cáo sản phẩm trên truyền hình. 
Theo bà, nguyên nhân người dân mất niềm tin vào các sản phẩm một phần là do có quá nhiều quảng cáo sai sự thật:
"Tôi lấy ví dụ trên VTV. Đầu tiên VTV quảng cáo về một sản phẩm rất hay và mọi người mua rất nhiều. Nhưng sau đó, cũng trên kênh VTV lại có một chương trình phê phán về sản phẩm đấy là không tốt, không an toàn. Rồi một thời gian sau nữa lại thấy sản phẩm đó được quảng cáo trên VTV. 
Hiện nay, người tiêu dùng mua hàng trên tivi rất nhiều. Vậy tôi xin hỏi trách nhiệm của những người đăng quảng cáo ở đâu? Khi họ đăng thì có kiểm tra, kiểm định sản phẩm không? Tôi cho rằng nếu truyền thông còn quảng cáo như vậy thì người tiêu dùng còn bị thiệt và còn bị mất niềm tin nhiều". 
Nguyên nhân khiến người dân mất niềm tin vào các sản phẩm một phần là do có quá nhiều quảng cáo sai sự thật, điển hình là quảng cáo trên truyền hình.
Đề cập đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng ở góc độ pháp lý, luật sư Dương Quốc Thành (Công ty luật VCI-Legal) nhấn mạnh, tại Việt Nam đã có luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi luật này ra đời nhiều người đã hy vọng luật này sẽ đi vào cuộc sống. Nhưng sau này mới phát hiện là các quy định rất khó đi vào thực tế, nhất là việc khiếu nại của một nhóm.
"Ví dụ trường hợp hàng trăm người tiêu dùng cùng khởi kiện một DN vì sản phẩm lỗi, hỏng chưa được quan tâm đúng mức, chúng ta vẫn còn e dè. Cho nên, nhiều quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo" - ông Thành nói.
Trên cơ sở cùng đối thoại và thảo luận, nhiều vấn đề đã được gợi mở và các đại biểu nhận thấy sự cần thiết của việc nâng cao niềm tin người tiêu dùng đối với sản phẩm Việt và DN Việt. 
Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, hoạt động xã hội của DN (CSR) nếu được cải thiện sẽ tạo lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh và kéo theo đó là cải thiện hoạt động kinh doanh của chủ thể DN. 
Bởi thực hiện CSR sẽ góp phần giảm tác động đến môi môi trường và giảm tiêu thụ tài nguyên; cải thiện mối quan hệ với các bên liên quan bao gồm người lao dộng, cộng đồng, khách hàng, người tiêu dùng và đối tác kinh doanh. 
Một hội thảo tương tự sẽ diễn ra tại TP.HCM vào ngày 19.9.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
DN Việt cần đề cao người tiêu dùng để đánh bại DN Hàn, Thái...