Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Samsung hoàn toàn thiện chí khi muốn liên kết với các DN Việt Nam. Căn cứ vào thực trạng hiện nay thì chưa có DN nào của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong tương lai, GS. Mại tin tưởng rằng sẽ có 15-20 DN Việt Nam làm được.

Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể hợp tác được với Samsung!

Một Thế Giới | 12/09/2014, 15:10

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Samsung hoàn toàn thiện chí khi muốn liên kết với các DN Việt Nam. Căn cứ vào thực trạng hiện nay thì chưa có DN nào của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong tương lai, GS. Mại tin tưởng rằng sẽ có 15-20 DN Việt Nam làm được.

Liên quan đến việc Samsung Việt Nam muốn tìm kiếm được đối tác, các nhà cung cấp các thiết bị hỗ trợ cho Samsung tại Việt Nam để giảm chi phí sản xuất, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) - đơn vị đồng tổ chức Hội thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam ngày 10.9.
Tại Hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Samsung bày tỏ mong muốn tìm kiếm đối tác là các doanh nghiệp Việt (DN) để cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên, Tập đoàn này đã đưa ra 8 tiêu chí và 13 điều mục vô cùng khắt khe, khiến đa số DN Việt đều ngao ngán. Là một trong những đơn vị đứng ra tổ chức, ông có đánh giá gì  về việc này?
Có rất nhiều người khi nhận được thông tin này đã rất hoài nghi, thậm chí nhiều người còn khẳng định là Việt Nam sẽ không làm được. Như tôi đã trình bày tại Hội thảo, đương nhiên là hiện nay không có DN nào làm được, bởi vì đã biết gì đâu mà làm. Cho nên chúng tôi tổ chức hội thảo để sắp xếp cuộc gặp gỡ với đại diện Samsung cho các DN có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu thực trạng của Samsung. Tôi cho rằng, muốn liên kết với DN người ta thì phải biết công nghệ như thế nào, nguồn nhân lực như thế nào. Tôi tin chắc rằng, sẽ có 15-20 DN Việt Nam có đủ vốn, khoảng 15 - 20 triệu USD để có thể làm được.
Ai đã từng lên Thái Nguyên hay sang Bắc Ninh đều biết rằng máy móc là của Nhật Bản, của Hàn Quốc, nhưng kỹ sư hay công nhân thì đều là người Việt Nam cả, cho nên chỉ cần có công nghệ là chúng ta có thể làm được.
Ông nghĩ thế nào khi Samsung nói là muốn tìm kiếm đối tác, nhưng lại đưa ra quá nhiều điều kiện khắt khe và các DN Việt đều đánh giá là quá khó? Theo ông, liệu Samsung có thực sự mong muốn hợp tác với cac DN Việt hay chỉ là "hô hào" cho có?
Tôi đánh giá là Samsung rất thiện chí, bởi vì mục đích của việc này không chỉ vì có lợi cho Việt Nam chúng ta mà còn vì có lợi cho cả Samsung. Hiện nay, có đến 70% thiết bị phụ trợ là Samsung phải nhập từ bên ngoài, 30% là từ Trung Quốc, và nếu Samsung có thể nhập khẩu được các thiết bị này từ các doanh nghiệp Việt Nam, với chi phí lao động thấp hơn, giá thành rẻ hơn và chất lượng đảm bảo thì họ sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, và không dại gì mà họ không làm. Nên tôi cho rằng họ thực sự mong muốn được liên kết với các DN Việt Nam.
Tham gia buổi Hội thảo này có rất nhiều DN và chúng tôi đã phải sàng lọc. Lúc đầu lên đến 1.000 doanh nghiệp đăng ký nhưng sau đó chúng tôi chỉ mời 350 DN, trong đó Hiệp hội cơ khí, điện tử là những Hiệp hội có nhiều DN nhất, và họ rất chăm chú theo dõi. Phía Samsung cũng sắp xếp 6 bàn ở phía ngoài hội trường để tiếp xúc, tư vấn cho các doanh nghiệp và trả lời mọi câu hỏi của DN Việt Nam.
Có thể thấy, mô hình tiếp cận mà chúng tôi tổ chức không phải là mô hình tiếp cận chung chung mà là tiếp cận trực tiếp. Tôi muốn làm cho ông thì ông phải bảo tôi phải làm gì? Tôi thiếu cái gì thì tôi bổ sung cái đấy, sau khi bổ sung mà tôi đáp ứng được thì ông phải chọn tôi.
Trên thực tế, theo ông sẽ có bao nhiêu DN đáp ứng được yêu cầu này và bao nhiêu DN nắm bắt được cơ hội này từ Samsung?
Có thể nói, hiện nay chưa có DN nào của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Samsung. Tuy nhiên, trong tương lai, tôi tin tưởng rằng DN Việt Nam sẽ làm được. Còn DN nắm bắt được cơ hội này thì tôi cho rằng chỉ khoảng 15-20 doanh nghiệp, và mỗi doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 15-20 triệu USD để làm.
Vì muốn làm được thì máy móc phải rất hiện đại, rất đắt tiền. Tôi nghĩ rằng ở mức 15-20 triệu USD thì rất nhiều DN Việt Nam có. Họ chỉ cần biết địa chỉ mua máy móc và họ làm được như hiện nay Samsung đang làm ở Bắc Ninh và Thái Nguyên thì sẽ thành công.
Còn những DN khác thì phải nhờ Nhà nước hỗ trợ bằng quỹ hỗ trợ 2.000 tỷ mà Thủ tướng đã quyết định thành lập và quỹ hỗ trợ các địa phương, ngoài ra là các chính sách hỗ trợ và tín dụng ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ. Chúng ta đang có khoản hỗ trợ tín dụng cho ngư dân 10.000 tỷ đồng và 16.000 tỷ của Nhà nước, vậy tại sao không có quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp phụ trợ - một ngành công nghiệp rất quan trọng của đất nước?
Có thể thấy danh mục mà Samsung đưa ra rất khó và rất khắt khe. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho DN Việt?
Tôi không thể đưa ra được lời khuyên cụ thể, nhưng tôi tin những người đến tham gia Hội thảo là những người có ý thức muốn tìm kiếm một cơ hội để hợp tác với Samsung. Và các chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành đừng có làm thay cho DN, đừng khuyên DN phải làm gì. Họ có tiền, họ có sự lựa chọn và họ đủ thông minh để biết rằng mình nên làm cái gì.
Doanh nghiep Viet hoan toan co the hop tac duoc voi Samsung!
 GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE)
Bàn một chút về công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam hiện nay. Ông có đánh giá thế nào về sự phát triển cũng như những hạn chế của ngành CNHT?
Tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa có chiến lược thực sự để phát triển ngành này, mặc dù Chính phủ đã bàn đến vấn đề này từ năm 2001 và định thành lập hai khu công nghiệp, một là ở Vũng Tàu và một là ở Hải Phòng hợp tác với Nhật Bản. Nhưng loay hoay mãi về chính sách cho nên vẫn chưa hình thành được.
Nhưng gần đây Chính phủ đã thay đổi chính sách và hiện nay Bộ Công thương đang soạn thảo để trình Chính phủ để phát triển ngành CNHT, mà điểm cơ bản của chính sách này là công nghệ hỗ trợ cho ngành nào thì được ưu tiên sản phẩm cho ngành đó. Ví dụ, công nghiệp hỗ trợ Samsung sẽ được ưu tiên cho các sản phẩm cuối cùng của Samsung.
Để phát triển được ngành này thì còn cần có quỹ cho CNHT để dành cho các doanh nghiệp hỗ trợ, được Nhà nước tài trợ. Tôi nghĩ rằng các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, nếu có quỹ CNHT thì các địa phương họ sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển rất tốt. Tôi rất tin tưởng vào lao động Việt Nam, kể cả quản lý hay lao động phổ thông đều có thể làm được hết, vấn đề là chỉ cần có tiền.
Và cần phải nhìn vào hiện trạng là đáng lẽ ra chúng ta có lợi nhuận nhiều hơn nhưng lại có ít hơn. Đáng lẽ ra là 40-50% GTGT thì hiện nay chúng ta mới chỉ được 20-25% GTGT, mà bị mất nhiều như vậy thì "đau lắm" cho nên cơ hội thế này là rất tốt để chúng ta tăng thêm cơ hội.
Vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành CNHT trong thời gian tới?
Cần phải biết hiện nay, linh phụ kiện của chúng ta trong sản phẩm công nghiệp chỉ mới đáp ứng được 25-26% nhu cầu. Trong khi đó tại Trung Quốc đã đáp ứng được 50% nhu cầu và Thái Lan là 60% nhu cầu. Như vậy, chúng ta chỉ mới bằng một nửa của người ta.
Đối với một vài ngành mà chúng ta có thế mạnh, ví dụ như may mặc thì tôi tin là trong một vài năm nữa hoàn toàn có thể đáp ứng được 60-70%, còn hiện nay đã là 40-45% rồi. Rất nhiều xí nghiệp nhuộm, dệt, da giầy đang có quy mô lớn, và những ngành này nếu được đầu tư thêm thì chúng ta sẽ làm được.
Đối với sản xuất xe máy, chúng ta đã làm chủ được CNHT, xe máy hiện nay đã có 80-90% là sản xuất trong nước. Ô tô thì ít hơn, nhưng ngành ô tô thì phải đòi hỏi quy mô lớn, nhu cầu 10 vạn ô tô một năm mà  chúng ta sản xuất chỉ 3.000-5.000 ô tô mỗi năm thì ngành CNHT không thể phát triển được. Phải sản xuất được cả triệu ô tô một năm, quy mô phải lớn thì mới được.
Còn hiện nay riêng ở Samsung đã sản xuất 200 triệu điện thoại di động, hàng triệu máy tính bảng, sản xuất rất lớn, nhu cầu rất lớn nên chúng ta mới có cơ hội để phát triển CNHT cho ngành này.
Theo ông, Nhà nước cần có những chính sách gì và chính sách đó đóng vai trò như thế nào để phát triển được CNHT?
Chính sách của Chính phủ là cực kỳ quan trọng. Nếu không có chính sách thì DN không thể nào phát triển được. Chúng ta biết rằng giàn khoan Trung Quốc vào nên vấn đề biển Đông trở thành vấn đề nóng, khi đó Nghị quyết về kinh tế biển đã có từ 7-8 năm nay mới bắt đầu được kích hoạt và ngư dân từ chỗ chỉ có tàu vỏ gỗ đã có hy vọng chuyển sang tàu vỏ sắt. Quốc hội qua việc này đã thông qua gói tín dụng 16.000 tỷ rất dễ dàng.
Chính sách là quan trọng nhưng cũng cần phải nói vai trò của DN vẫn mang tính quyết định. Nếu DN không có ý chí vươn lên thì cũng không thể làm gì được. Tôi được biết rất nhiều DN của chúng ta hiện nay dựa vào đất đai và BĐS, nên vừa qua BĐS chết đã kéo nhiều DN chết theo. Còn DN làm công nghệ như Samsung, LG, Canon... vẫn còn rất ít, nên chúng ta phải hướng DN Việt triển khai phát triển và Chính phủ phải hỗ trợ DN phát triển. Nếu có ý thức phát triển thì DN của chúng ta sẽ làm được.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên
Bài liên quan
Galaxy S25 Slim siêu mỏng là điều bất ngờ của Samsung ở sự kiện Unpacked nhưng vẫn dày hơn iPhone 17 Air?
Rộ tin Samsung sẽ ra mắt không chỉ 3 mà 4 mẫu smartphone Galaxy S25 tại sự kiện Unpacked sắp tới. Samsung sẽ bổ sung phiên bản Galaxy S25 Slim, dự kiến có giá sẽ nằm giữa Galaxy S25+ và S25 Ultra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể hợp tác được với Samsung!