Từ ngày 1.9, các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dự kiến, đặc biệt là của nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ giảm mạnh. Các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành lớn sẽ phải cân nhắc thận trọng về khối lượng và thời điểm phát hành.
Thời gian qua, bất chấp nền kinh tế chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 song thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển rất mạnh. Trong đó, một số doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao ngất ngưởng, có nơi chào tới 18%.
Đặc biệt, trước thời điểm tháng 9.2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn “chạy đua” phát hành trái phiếu trị giá hàng nghìn tỉ đồng với mức lãi suất hấp dẫn. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt với lãi suất “khủng” đã dấy lên lo ngại về tính an toàn của kênh đầu tư vốn được xem là hấp dẫn về lợi nhuận này.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 8 cho thấy các doanh nghiệp đăng ký phát hành 723 đợt trái phiếu để huy động 127.000 tỉ đồng, tăng gần 70% so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ có 37 doanh nghiệp tổ chức được phát hành thành công 172 đợt và huy động 38.400 tỉ đồng.
Dẫn đầu danh sách huy động vốn từ kênh trái phiếu trong tháng 8 là các công ty bất động sản với tỷ trọng 30,39%. Tiếp đến là các tổ chức tín dụng, dịch vụ, sản xuất và chứng khoán. Kỳ hạn phát hành trải dài từ 1 năm đến 15 năm với kỳ hạn phát hành bình quân là 3,97 năm.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp đăng ký phát hành 2.064 đợt trái phiếu để huy động 435.000 tỉ đồng. Mặc dù vậy, chỉ có 174 doanh nghiệp phát hành thành công với giá trị phát hành đạt 237.000 tỉ đồng.
Tương tự, số liệu của Công ty Chứng khoán (KBSV) cũng cho biết các doanh nghiệp phát hành hơn 40.000 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 8, tăng 2,8%. Kỳ hạn phát hành trải dài từ 1 năm đến 15 năm, trong đó kỳ hạn 3 năm có giá trị phát hành lớn nhất, đạt 28,684 tỉ đồng, chiếm 69,7% tổng giá trị phát hành.
Trong tháng 8, nhóm ngân hàng và bất động sản tiếp tục là những tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới hơn 65% tổng giá trị phát hành. Một số doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn trong tháng bao gồm Saigon Glory (5.000 tỉ đồng), Tập đoàn Massan (4.000 tỉ đồng); VP Bank (3.200 tỉ đồng)…
Nhiều chuyên gia nhận định giá trị đăng ký phát hành trái phiếu tăng vọt là do doanh nghiệp tranh thủ cơ hội trước khi các điều kiện phát hành bị siết chặt do nghị định mới về phát hành trái phiếu có hiệu lực từ ngày 1.9.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng trong 4 tháng qua phần nào nhắm tránh Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018 có hiệu lực từ 1.9 tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ”, chuyên gia KBSV nhận định.
Theo KBSV, Nghị định 81 quy định việc phát hành trái phiếu theo hướng chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ.
Chẳng hạn, theo Nghị định 81, mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, căn cứ theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Số lần phát hành trái phiếu cũng sẽ bị siết lại. Đợt phát hành tiếp theo phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng. Mỗi doanh nghiệp chỉ có thể phát hành 1-2 đợt mỗi năm.
"Với việc nghị định mới có hiệu lực, thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9 sẽ kém sôi động hơn so với các tháng trước đó. Sau thời điểm 1.9, các đợt phát hành riêng lẻ dự kiến, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ giảm mạnh. Các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành lớn sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn về khối lượng và thời điểm phát hành", KBSV đánh giá.
Phan Diệu