Trong suốt thời gian là tâm dịch từ cuối tháng 7.2020, TP.Đà Nẵng bị phong tỏa, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn bị “đóng băng”. Sau 2 đợt dịch, các doanh nghiệp thuộc nhóm du lịch, dịch vụ, vận tải đang là đối tượng bị thiệt hại nặng nề bởi dịch chồng dịch.

Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng kiệt quệ do đại dịch COVID-19

16/09/2020, 06:33

Trong suốt thời gian là tâm dịch từ cuối tháng 7.2020, TP.Đà Nẵng bị phong tỏa, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn bị “đóng băng”. Sau 2 đợt dịch, các doanh nghiệp thuộc nhóm du lịch, dịch vụ, vận tải đang là đối tượng bị thiệt hại nặng nề bởi dịch chồng dịch.

Đường phố, khách sạn, khu du lịch ở TP.Đà Nẵng vắng khách - Ảnh: Mỹ An

Thiệt hại chồng thiệt hại

Ông Nguyễn Minh, Tổng giám đốc khách sạn Seven Sea (đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng) cho hay Seven Sea là khách sạn 4 sao với quy mô 135 phòng, bình quân tháng mùa thấp điểm nhất doanh thu của khách sạn ít nhất cũng được 3,1 tỉ đồng. “Do ảnh hưởng của cả 2 đợt dịch COVID-19, doanh thu 8 tháng đầu năm chưa đến 2,2 tỉ đồng, thấp hơn cả doanh thu bình thường của 1 tháng mùa thấp điểm”, ông Minh cho hay.

Ông Minh cho biết 135 nhân viên của khách sạn đang được nghỉ không lương. Chủ khách sạn đã cố gắng hỗ trợ nhân viên mức lương cơ bản trong giai đoạn đầu, duy trì đến tháng thứ 3 thì không thể tiếp tục thực hiện. “Đó là tình trạng chung của tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Sau đợt dịch COVID-19 đầu, nhiều khách sạn, homestay phải rao bán vì thua lỗ. Mất trắng có lẽ là từ thích hợp để nói về ngành khách sạn nói riêng và du lịch Đà Nẵng trong năm 2020”, ông Minh ngậm ngùi.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Đà Nẵng cho hay, trong đợt dịch này, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa không thể kinh doanh được. “Gần 90% các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch bệnh bùng phát trở lại. Nếu nói để giải thể thì chưa, sau dịch thì các doanh nghiệp này vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để phục hồi kinh tế. Việc phục hồi sẽ khó khăn và mức độ phục hồi kinh tế như thế nào phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của Chính phủ.

Theo ông Bình, không chỉ các doanh nghiệp trong mảng du lịch, dịch vụ, các doanh nghiệp logistics Đà Nẵng cũng đang rất khó khăn. “Việc chở hàng đến các địa phương khác như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình... đều bị kiểm soát gắt gao. Nhiều địa phương không cho tài xế người Đà Nẵng điều khiển phương tiện vào địa phận của họ dù tài xế đã thực hiện khai báo y tế đầy đủ. 1 tháng dịch bệnh kéo dài cũng khiến các doanh nghiệp bị chia sẻ nguồn khách hàng”, ông Bình cho hay.

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính đến giữa tháng 8.2020, toàn thành phố có hơn 56.000 người lao động mất việc, trong đó có 44.000 lao động thuộc khối ngành du lịch, dịch vụ. Trong tháng 8.2020, có gần 3.500 lao động phải cách ly tập trung, 1.800 lao động bị cách ly tại nhà do liên quan đến COVID-19.

Tính sơ bộ, tháng 8.2020, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2.843 lượt khách, giảm 99,5% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 15,4 tỉ đồng, giảm 97,7% so với cùng kỳ. Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 9.136 tỉ đồng, chỉ bằng 68,3% so với cùng kỳ năm trước.

Rất nhiều người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 - Ảnh: Mỹ An

Tổng doanh thu ngành vận tải 8 tháng đầu năm ước đạt 10.635 tỉ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP trên địa bàn ước giảm 10,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 1.719 triệu USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Giảm áp lực lãi vay cho doanh nghiệp

Ngày 15.9, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đà Nẵng cho biết vừa có văn bản gửi Thống đốc NHNN về việc hỗ trợ khách hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng. Theo đó, NHNN chi nhánh Đà Nẵng đề xuất Thống đốc NHNN xem xét cho cơ cấu những khoản nợ phát sinh sau ngày 23.1.2020 theo tinh thần Thông tư 01/2020 của NHNN.

Theo ông Võ Minh, tổng dư nợ hiện hữu của doanh nghiệp, người dân Đà Nẵng tại các ngân hàng khoảng 175.000 tỉ đồng. Trong đó, có khoảng 56.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 cả hai đợt.

Tính đến cuối tháng 7.2020, ngành ngân hàng TP.Đà Nẵng đã tiến hành cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi cho khoản dư nợ 11.500 tỉ đồng của các khách hàng trên địa bàn TP.

Qua đó, có 3.710 khách hàng đã được cơ cấu lại nợ. Số miễn giảm lãi cho khách hàng thực chất được 26 tỉ đồng. Ngành ngân hàng TP cũng đã thực hiện Thông tư 01/2020 bằng cách cho vay mới 21.000 tỉ đồng.

“Tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi theo Thông tư 01/2020 có lẽ chưa đáp ứng được tại Đà Nẵng, vì quy định là chỉ áp dụng với khoản vay phát sinh trước ngày 23.1.2020”, ông Minh cho hay.

“Cứu doanh nghiệp chính là cứu họ (ngân hàng thương mại – PV). Doanh nghiệp giờ không sản xuất được, không trả được nợ, đẩy nợ xấu lên cơ cấu lại thì nợ xấu chuyển nhóm, ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại. Các khách hàng bị chuyển nhóm nợ không có điều kiện để vay mới. Nợ nhóm cao đến các ngân hàng thương mại khác cũng chịu, không cho vay được”, ông Minh nói.

Mỹ An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng kiệt quệ do đại dịch COVID-19