Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng khiến doanh nghiệp không thể phát hành gói mới để đáo hạn nợ cũ, nguy cơ bị chuyển nhóm nợ xấu rất cao. Nếu vào danh sách nợ xấu, việc tiếp cận khoản vay mới từ ngân hàng gần như “đóng cửa”.

Doanh nghiệp BĐS xin cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng không mặn mà

Lam Thanh | 15/02/2023, 17:25

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng khiến doanh nghiệp không thể phát hành gói mới để đáo hạn nợ cũ, nguy cơ bị chuyển nhóm nợ xấu rất cao. Nếu vào danh sách nợ xấu, việc tiếp cận khoản vay mới từ ngân hàng gần như “đóng cửa”.

Xin giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ ngân hàng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn. “Có thể nói năm 2022 là năm “khó khăn khắc nghiệt nhất” và năm 2023 là năm “quyết định sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng”.

Ông Châu cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO; phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; có đơn vị giảm đến 50% số lao động; nhiều người người dân có nhu cầu nhưng cũng khó tạo lập được nhà ở...

“Nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45 - 50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng, vì hầu như rất ít người mua. Do đó, doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”, ông Châu nói.

bds-2.jpeg
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phát biểu

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng hiện nay, bên cạnh khó khăn lớn nhất là “vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, thì khó khăn trực tiếp tiếp theo là vấn đề “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn” và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành “nợ xấu” hoặc “nhảy nhóm nợ xấu hơn”. Doanh nghiệp có "nợ xấu” dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.

Theo đó, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.

Việc thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, từ ngày 1.10.2022 - 30.9.2023 là 34%, từ 1.10.2023 là 30%. Điều này dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng càng bị giảm nguồn vốn tín dụng cho vay trung dài hạn. Ông Châu đề nghị cần được xem xét kéo giãn thêm “lộ trình” này.

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, đối với Hưng Thịnh, hiện chưa nhảy nhóm nợ chứ không phải không nhảy. Nếu không được hỗ trợ thì việc nhảy nhóm nợ sẽ xảy ra. Theo đó, doanh nghiệp này đề xuất ngân hàng cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, hỗ trợ được vay khoản vay tiếp theo.

Ngân hàng không mặn mà

Có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do thị trường trái phiếu bị ngưng. Hiện tại đến hạn trả nhưng vốn chủ sở hữu không có, doanh nghiệp phải trông cậy vào tín dụng ngân hàng để trả trái phiếu đến hạn để tránh vỡ nợ. Nếu ngân hàng nói không cho vay nữa thì doanh nghiệp khó khăn vô cùng lớn.

Nói với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng tỷ lệ nợ xấu hiện nay vẫn ở mức an toàn. Tuy nhiên, việc chuyển nhóm nợ có thể sẽ diễn ra rất nhanh.

"Nếu như các bên liên quan không có giải pháp kịp thời thì năm 2023 sẽ khá khó khăn đối với cả doanh nghiệp bất động sản mà còn cả phía hệ thống ngân hàng", ông Huân chia sẻ.

bds-3.jpeg
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Nói về đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho rằng Thông tư 14 ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh, có hoàn cảnh riêng, còn vấn đề hiện nay của ngành bất động sản thuộc về thị trường, vì vậy nên để thị trường tự điều tiết.

“Nếu việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ của ngành bất động sản được đồng ý thì tất cả các hiệp hội khác như hiệp hội cà phê, dệt may, điều, thủy sản… cũng mong muốn được cơ cấu nợ. Chúng ta không thể áp dụng cơ chế đặc thù cho tất cả. Nếu chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản thì cũng không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong hoạt động kinh doanh. Còn đối với hệ thống ngân hàng cũng sẽ không đáp ứng chuẩn Basel II, từ đó các định chế nước ngoài sẽ đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết ngân hàng chỉ cơ cấu nợ theo quy định hiện hành và các ngân hàng đều có cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Đối với đề xuất giữ nguyên nhóm nợ như Thông tư 14, ông Tùng cho rằng không cần thiết. Lý do là các chính sách này là đặc thù trong hoàn cảnh bất khả kháng, còn trong điều kiện kinh doanh bình thường thì nên áp dụng điều kiện thông thường để triển khai. Nếu triển khai không thận trọng, dồn nợ xấu về sau sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế và chính ngân hàng.

ts-nguyen-tri-hieu.jpg
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng những chuẩn mực về tín dụng cho vay bất động sản không được hạ thấp. Các doanh nghiệp vẫn phải tính toán, đảm bảo về dòng tiền, chỉ số lợi nhuận, chỉ số đòn bẩy tài chính... bởi lẽ thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về thanh khoản, dòng tiền, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản...

Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp đi vay phải tự tái cơ cấu hệ thống tài chính, dòng tiền của mình để có thể trả nợ. Nếu không dừng việc phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án rủi ro thì Ngân hàng Nhà nước có đổ bao nhiêu tiền vào tín dụng bất động sản thì tiền đó cũng mất.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng Chính phủ cần có chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia cho tất cả doanh nghiệp sắp đến hạn, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp BĐS xin cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng không mặn mà