Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các doanh nghiệp thường xuyên làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng khi Thanh tra Bộ đến làm việc thì lại xảy ra trường hợp: có cái thì đạt theo yêu cầu của Sở, nhưng lại không đạt theo yêu cầu của Thanh tra Bộ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Doanh nghiệp bức xúc vì ý kiến Sở một đằng, Thanh tra Bộ một nẻo

tuyetnhung | 14/05/2017, 07:04

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các doanh nghiệp thường xuyên làm việc với các Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhưng khi Thanh tra Bộ đến làm việc thì lại xảy ra trường hợp: có cái thì đạt theo yêu cầu của Sở, nhưng lại không đạt theo yêu cầu của Thanh tra Bộ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

Gánh nặng thuế phí "đè đầu" DN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 13.5 đã chủ trì cuộc đối thoại giữa đại diện các doanh nghiệp (DN) thủy sản với các bộ, ngành về những vướng mắc liên quan đến quản lý của các Bộ: Y tế, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Với Bộ NN&PTNT, Vasep đưa ra kiến nghị giảm bớt mức phí trong các hoạt động thẩm định; lấy mẫu kiểm tra tại DN; xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; kiểm dịch cho lô hàng nhập khẩu; những bất cập vướng mắc về quản lý thuế theo nguyên tắc kiểm tra trước hoàn thuế sau.

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: VGP

Vasep cho biết có nhiều bất cập trong mức thu phí và lệ phí cho DN chế biến xuất khẩu thủy sản tại các thông tư mới ban hành theo Luật Phí và lệ phí năm 2015. Hiệp hội này kiến nghị cần rà soát, điều chỉnh các mức phí quy định ở các thông tư cho phù hợp. Bởi, hiện nay các DN phản ánh, chỉ riêng một loại phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu, nếu lấy quy mô sản xuất của năm 2016 thì các DN sẽ phảitrả thêm từ 100 triệu đồng đến khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/năm cho mỗi DN.

Liên quan đến công chứng, một số DN phản ánh phí công chứng quá cao, một DN làm hợp đồng thế chấp cần phải có công chứng thì bị tính phí là 40 triệu đồng. Trong khi đó, trước đây phí công chứng tối đa chỉ là 10 triệu đồng cho mỗi hợp đồng công chứng.

Với Bộ Y tế, liên quan đến các quy định về công bố hợp quy và chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), Vasep đưa ra 3 kiến nghị. Thứ nhất là bỏ toàn bộ quy định của Nghị định 38 về công bố phù hợp về ATTP với lý do Luật ATTP không quy định, đang gây khó khăn cho DN khi mất thời gian tới 15 ngày, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp nhận văn bản công bố hợp quy về ATTP, giảm thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận hợp quy về ATTP.

Thứ ba liên quan đến phân công trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trong việc tiếp nhận bản công bố hợp quy thuộc lĩnh vực, nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo nguyên tắc 1 cửa, 1 DN chịu sự quản lý của một bộ.

Quan điểm "lệch pha" giữa Sở và Thanh tra Bộ

Đại diện Công ty Chế biến thực phẩm Đông Đô cho biết Nghị định 43 mới ban hành về nhãn mác hàng hóa vừa ra đời nhưng thời điểm có hiệu lực rất nhanh, trong vòng 47 ngày từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, trong khi DN cần thời gian dài hơn để chuẩn bị thực hiện theo quy định. Khi DN có gửi văn bản hỏi cơ quan chức năng nhưng lại rất lâu mới nhận được trả lời hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan quản lý.

Trong khi đó nhiều đoàn kiểm tra lại chỉ căn cứ vào nghị định nên DN dễ bị xử phạt. Theo đó DN mong muốn được các cơ quan quản lý tập huấn trước khi ban hành, thực hiện những văn bản mới.

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vasep kiến nghị những bất cập về việc xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, bùn thải trong nhà máy chế biến thủy sản, phương án bảo vệ môi trường; vị trí, vai trò, trách nhiệm của Sở TN&MT trong hỗ trợ cho DN; giá trị pháp lý của các số liệu quan trắc tự động.

Liên quan đến vai trò của các Sở TN&MT, ông Trương Đình Hòe cho biết các DN thường xuyên làm việc với các sở. Nhưng sau đó Thanh tra Bộ làm việc, có cái thì đạt theo yêu cầu của Sở, nhưng lại không đạt theo yêu cầu Thanh tra, điều này khiến DN bức xúc. Hơn nữa, ngoài kiểm tra định kỳ thì còn nhiều cuộc kiểm tra đột xuất. Theo đó, Hiệp hội đề nghị Bộ có thêm ý kiến về thanh tra môi trường, phối hợp giữa các cơ quan để các DN khỏi bị bỡ ngỡ.

DN không nên ngại, hãy mạnh dạn kiến nghị

Trước những kiến nghị trên của Vasep, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các Bộ đã giải đáp từng thắc mắc đến Hiệp hội.

Về Bộ Y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho hay, kiến nghị thứ nhất của Vasep là đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố phù hợp theo Nghị định 38, căn cứ Luật ATTP thì kiến nghị này hợp lý. Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn. Bộ tiếp thu ý kiến của Vasep và chuyển sang quy chuẩn, đúng Luật ATTP mà vẫn tiếp thu ý kiến của Vasep.

Còn chuyện công bố và trả lời cho DN trong vòng 15 ngày, đại diện Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện trong vòng 15 ngày mà đến 7, 8 hay 9 ngày mới trả lời là không đủ hồ sơ mà không đủ hồ sơ thì không được nhận ngay từ đầu.

Khi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hỏi về kinh nghiệm quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: "Có cá nhân người Việt Nam mua lại 1 thị trấn và bán cà phê tại đó, họ mất 9 tháng để xin giấy phép bán cà phê. Đưa một mặt hàng vào lưu thông ở các nước phát triển khó khăn hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tôi thấy thủ tục ở Việt Nam rất đơn giản, cần 15 ngày để DN nộp công bố chất lượng sản phẩm và được xác nhận hợp quy".

Tuy nhiên theo ông Khánh, có hai việc có thể học được từ kinh nghiệm các nước phát triển. Thứ nhất, mặc dù hồ sơ xem xét rất lâu, phức tạp nhưng về thành phần hồ sơ được minh bạch hóa tối đa, gồm những hồ sơ nào, hơn nữa hồ sơ rất dễ hiểu, dễ điền thông tin, bảo đảm không nhầm lẫn được. Hơn nữa, có 2 thời hạn, thời hạn thứ nhất là đủ hồ sơ chưa và thời hạn xem xét hồ sơ đã đủ rồi là bao lâu.

Kinh nghiệm thứ hai, ở các nước phát triển thì DN sản xuất không tự đi làm các thủ tục. Ví dụ khai hải quan có rất nhiều công ty khai thuê hồ sơ chuyên nghiệp, khi nộp vào không có chuyện trả lại. Trong lĩnh vực ATTP cũng nên có các công ty đi làm việc đó cho DN, từ đó rút ngắn thời gian, công sức và chi phí.

Tương tự, vướng mắc của Vasep và DN về vấn đề xử lý chất thải rắn, bùn thải... cũng được Bộ tiếp thu và giải thích cụ thể. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TN&MT cũng cho biết, phải đặt vấn đề lợi ích môi trường lên trên hết, không thể hy sinh môi trường. Theo đó, các DN cũng cố gắng tuân thủ các quy định về môi trường. Còn với những trường hợp cụ thể sẽ xem xét để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.

Về phí công chứng, Bộ Tư pháp cho biết sẽ rà soát lại vì trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay thì chia sẻ thông tin khó khăn, chưa cập nhật thông tin về bất động sản, nên chi phí bỏ ra lớn.

Sau khi nghe các Bộ ngành và DN đối thoại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao nỗ lực của các Bộ. "Các bên ngồi trực tiếp với nhau mới thấy không phải tất cả kiến nghị của DN đều nên chấp thuận hết, vì cơ quan quản lý cũng có lý do. Tuy nhiên, sau khi cơ quan quản lý giải thích thì DN rất hài lòng. Có những vấn đề ý kiến DN là đúng, vì người làm văn bản chưa lường hết được. Tinh thần của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất cầu thị, thậm chí văn bản đưa ra chưa thi hành mà có vấn đề thì vẫn sửa đổi. Trên tinh thần xây dựng và cởi mở. Thông điệp là DN không nên ngại, nếu có vướng mắc thì cứ mạnh dạn kiến nghị", Phó Thủ tướng đánh giá.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bức xúc vì ý kiến Sở một đằng, Thanh tra Bộ một nẻo