“Chuyện thành lập, giải thể của doanh nghiệp là quy luật tất yếu của thị trường, là điều hết sức bình thường trong kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ.

Doanh nghiệp giải thể là quy luật tất yếu của thị trường

Một Thế Giới | 26/12/2015, 15:29

“Chuyện thành lập, giải thể của doanh nghiệp là quy luật tất yếu của thị trường, là điều hết sức bình thường trong kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2015” do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 26.12 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2015 có 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 601,5 nghìn tỉ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014.

Báo cáo cho hay số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 6,3 tỉ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2015 là 1.471,9 nghìn người, tăng 34,9% so với năm 2014.

Bên cạnh đó, đã có 21.506 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau khi tạm ngừng, tăng 39,5% so với năm trước.

Đồng thời, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm là 9.467 doanh nghiệp, giảm 0,4% so với năm trước; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo con số công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch – Đầu tư),  trong năm 2015 có 71.391 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong đó, có 55.742 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để chờ đóng mã số doanh nghiệp, 15.649 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời gian.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chuyện thành lập, giải thể của doanh nghiệp là quy luật tất yếu của thị trường, là điều hết sức bình thường trong kinh tế.

Ông Lâm cũng cho hay, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, cộng đồng doanh nghiệp hiện rất tin tưởng vào hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016.

Tổng cục Thống kê cũng công bố kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, về xu hướng kinh doanh, có 42,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 4 khả quan hơn quý 3; 19,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Về dự kiến quý 1/2016 so với quý 4/2015, có 40,9% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 17,7% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 41,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết các ngành  công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, ngân hàng... có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Năng lực sản xuất của nền kinh tế cũng  còn nhiều dư địa để có mức tăng trưởng cao hơn nữa.

Hoàng Long


Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp giải thể là quy luật tất yếu của thị trường