"Tôi nghe nói rằng nhân viên quản lý người Nhật gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp với nhân viên người Việt. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng, việc tuyển dụng nhân viên cấp quản lý nói trôi chảy tiếng Nhật hoặc tiếng Anh ở các tỉnh ngoại thành Hà Nội là cực kỳ khó khăn", ông Atsusuke Kawada nhận định.

Doanh nghiệp Nhật Bản chê khả năng tiếng Anh của người Việt

Một Thế Giới | 21/04/2015, 13:31

"Tôi nghe nói rằng nhân viên quản lý người Nhật gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp với nhân viên người Việt. Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng, việc tuyển dụng nhân viên cấp quản lý nói trôi chảy tiếng Nhật hoặc tiếng Anh ở các tỉnh ngoại thành Hà Nội là cực kỳ khó khăn", ông Atsusuke Kawada nhận định.

Trong bản tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 được tổ chức tại Nghệ An ngày 21 - 22.4, ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2014, JETRO đã thực hiện một bản điều tra về đánh giá môi trường kinh doanh tại các nước nhận đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Theo đó, ở Việt Nam, JETRO đã gửi bản điều tra tới 720 công ty đầu tư Nhật Bản và đã nhận được câu trả lời từ 458 công ty. 
Theo đó, các công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đều nhận định, điểm mạnh trong môi trường đầu tư của Việt Nam là “tình hình chính trị, xã hội ổn định”, chiếm 57,5 % doanh nghiệp. 
Điểm mạnh thứ 2 là “giá nhân công rẻ”, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra ưu điểm này cũng chiếm đến 53,7% số doanh nghiệp được khảo sát và quá nửa các doanh nghiệp xem đó là điểm mạnh. 
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản còn đánh giá một điểm mạnh khác ở Việt Nam là GDP bình quân đầu người ở Việt Nam là 2.000 USD, tuy nhiên với dân số 90 triệu dân và sự gia tăng đáng kể  tầng lớp trung lưu nên có 46,8% các doanh nghiệp coi “quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng ” là điểm mạnh. 
Mặt khác, chỉ có 5,9% doanh nghiệp chọn “ít rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp” là điểm mạnh và đó là câu trả lời chiếm tỉ lệ thấp nhất. 
"Về phía cá nhân, tôi nghe nói rằng nhân viên quản lý người Nhật gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ và giao tiếp với nhân viên người Việt. Tôi hi vọng rằng các nhân viên Việt Nam cần tiếp tục cải thiện kỹ năng ngôn ngữ tiếng Anh", ông Atsusuke Kawada nhận định.
Mặc dù được đánh giá là có nhiều điểm mạnh, tuy nhiên môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ ra nhiều điều yếu kém.
Theo ông Atsusuke Kawada, có đến 58,1% doanh nghiệp chỉ ra đó là “sự gia tăng chi phí nhân công”, tiếp theo sau là có 42,4% doanh nghiệp cho là “sự phức tạp trong các thủ tục hành chính”, 38.9% doanh nghiệp cho là “cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện”, 38.4% doanh nghiệp cho là “sự phức tạp trong hệ thống thuế và thủ tục thuế”, và 36.5% doanh nghiệp cho là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”. 
Điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam coi là rủi ro lớn nhất là “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”. Có đến 60,3% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam lo ngại về điều này. 
"Con số này cũng đặt Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong số các nước tệ nhất về vấn đề này. Hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện và đang vận hành thiếu minh bạch hơn cả Indonesia và Bangladesh", ông Atsusuke Kawada nói.
Ông Atsusuke lấy ví dụ xoay quanh việc áp dụng quy chế nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng đã có những nhận xét được đưa ra như là:  “thiếu việc xem xét trước nội dung của pháp lệnh” và “nội dung pháp lệnh mơ hồ và vận hành thiếu thống nhất”, với vấn đề thanh tra thuế thì lại “áp dụng quy tắc xử phạt đã cũ”.
Ngoài ra, liên quan đến “sự phức tạp trong thủ tục hành chính”, có những vấn đề được chỉ ra như là “bị yêu cầu những lệ phí không chính thức” trong thuế quan, “thời gian thẩm tra không rõ ràng” khi thay đổi hay gia hạn giấy phép đầu tư hay “tiêu chuẩn thẩm tra thiếu minh bạch” trong giấy phép đầu tư của các công ty kinh doanh ngành dịch vụ”. 
Rất khó tuyển dụng được nhân viên biết tiếng Anh hoặc tiếng Nhật
Một vấn đề khác được các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra về môi trường kinh doanh tại Việt Nam là việc “cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện”.
Theo đó, tỉ lệ “chi phí nhân công”, “chi phí nguyên vật liệu” và “chi phí khác” chiếm trong nguyên giá ở các nước hiện đang là 2:6:2. Còn tỉ lệ cung ứng tại chỗ của Việt Nam là 33.2%, chỉ tăng 1% so với năm trước. 
Tỉ lệ này mặc dù cao hơn Philipin (28,4% ) nhưng lại thấp hơn so với Trung Quốc (66,2%), Thái Lan (54,8%), Indonesia (43,1%), Malaysia (40,7%). 
Còn tỉ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn là 43,5%, đang dừng lại ở mức trong khoảng 40~45% và tỉ lệ này mãi không tăng lên được. 
"Để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có thể nâng cao năng lực cạnh tranh về giá thì không thể thiếu việc gia tăng cung ứng từ các doanh nghiệp tại Việt Nam. Vì thế, tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ hơn nữa về mặt cung cấp vốn cho các doanh nghiệp bản địa và đào tạo nguồn nhân lực", ông Atsusuke Kawada bày tỏ quan điểm.
Liên quan tới khoản tiền phải gánh chịu thực tế hàng năm, ông Atsusuke Kawada cho biết, trong ngành sản xuất thì công nhân có mức lương khoảng 3.000 USD, kỹ sư là 5.800 USD và con số này nằm dưới mức một nửa của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. 
Ngoài ra, lương của cấp quản lý là 13.499 đô la, bằng khoảng 1 nửa của Thái và khoảng 60% của Trung Quốc. Ngay cả tiền lương của nhân viên và cấp quản lý của ngành phi sản xuất cũng dừng lại ở mức khoảng một nửa của Trung Quốc.
"Tôi được nghe rất nhiều từ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng, tầng lớp công nhân vẫn có thể đảm bảo dễ dàng nhưng đối với cấp quản lý thì việc tuyển dụng nhân viên nói trôi chảy tiếng Nhật hoặc tiếng Anh ở các tỉnh ngoại thành Hà Nội thì cực kỳ khó khăn. 
Các công ty sản xuất lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Hải Phòng cũng không thể tuyển mới nhân viên người Việt có thể nói tiếng Nhật tại Hải Phòng, cho nên hiện đang rất khó khăn. Không chỉ có Hải Phòng mà tại các tỉnh địa phương  trong phạm vi di chuyển đi làm khoảng 1 tiếng tính từ Hà Nội cũng đang trong tình trạng rất khó khăn trong việc đảm bảo nhân sự biết tiếng Nhật", ông Atsusuke Kawada cho biết.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Nhật Bản chê khả năng tiếng Anh của người Việt