Theo lộ trình FTA, thuế nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... vào Việt Nam sẽ dần về 0%. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Vingroup đang phải bước vào cuộc chiến với những đối thủ mạnh như các Tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Thái Lan.

Doanh nghiệp nội bước vào cuộc chiến với Tập đoàn Nhật Bản, Thái Lan

Một Thế Giới | 15/04/2015, 06:00

Theo lộ trình FTA, thuế nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... vào Việt Nam sẽ dần về 0%. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Vingroup đang phải bước vào cuộc chiến với những đối thủ mạnh như các Tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Thái Lan.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 10 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc dẫn đầu trong xuất hàng hóa vào Việt Nam với 35 tỷ USD, Hàn Quốc 17 tỷ USD. Nhật Bản và Thái Lan lần lượt vươn lên vị trí thứ 3 và thứ 5 với 10,3 và 5,8 tỷ USD. 
Trong đó, mặt hàng rau quả từ Thái Lan, vải các loại của Nhật chiếm số lượng và tốc độ tăng trưởng mạnh. Nếu tính riêng về đường nhập khẩu chính ngạch, rau quả Thái Lan đã soán ngôi sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc mấy tháng gần đây tại thị trường Việt Nam. 
Cụ thể, 10 tháng đầu năm rau củ quả Thái Lan vào Việt Nam lên tới 138 triệu USD, cao hơn Trung Quốc 20 triệu USD.

Không ngừng mở rộng

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 13.4, Ông Vũ Văn Đang, Giám đốc Công ty Nhập khẩu Bình Minh (quận Bình Tân), cho biết hàng Thái Lan, Nhật Bản bắt đầu vào Việt Nam từ những năm 2009 thông qua các đợt xúc tiến thương mại, hội chợ.
Từ một công ty vận tải hàng hóa, nay ông chuyển hẳn sang nhập khẩu hàng Thái về Việt Nam, chủ yếu là quần áo, thực phẩm. Ông Đang nhận định: “Trước năm 2010, hàng Thái đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên những năm gần đây, sản phẩm của quốc gia này có nhiều người ưa chuộng nên được nhập về ồ ạt”.
Không chỉ có hàng Thái Lan, thời gian gần đây, Tập đoàn Aeon Mall của Nhật Bản cũng đã đầu tư mở rộng thị trường tại Việt Nam thông qua dự án xây 3 trung tâm thương mại có quy mô lớn ở Việt Nam. 
Theo đại diện của tập đoàn này, đến năm 2020 sẽ xây tổng cộng 20 trung tâm thương mại trên cả nước để trực tiếp đưa hàng Nhật sang bán. Bên cạnh đó, Aeon cũng đang bắt tay với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước xây dựng chuỗi phân phối hàng hóa quy mô lớn. 
Cụ thể, doanh nghiệp này đã mua lại 30% cổ phẩn Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, từng bước tăng sự hiện diện của các sản phẩm Nhật tại những hệ thống bán lẻ ở các chuỗi siêu thị này nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Không chỉ dừng lại ở đó, CEO Family Mart - ông Kigure Takehiko cũng cho biết, trong 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh đầu tư gấp 10 lần, tức là nâng từ 100 cửa hàng tiện ích hiện tại lên con số 1.000 cửa hàng tại Việt Nam. 
Mục tiêu Family Mart đặt ra là lọt vào top 5 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. “Việt Nam với dân số trên 90 triệu dân trong khi số lượng các cửa hàng tiện ích khá khiêm tốn nên việc đầu tư sẽ bảo đảm sinh lãi” - ông Kigure Takehiko tự tin.
Cũng nhanh chân chiếm thị phần ở Việt Nam, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của người giàu thứ ba Thái Lan (theo số liệu của Forbes) - ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. 
Một quản lý cấp cao vừa "cập bến" Metro sau khi chính thức đổi chủ, cho biết chắc chắn khi đã hoàn tất mọi khâu chuyển giao vào năm 2015, 19 trung tâm của Metro trên cả nước sẽ là điểm đến hứa hẹn hấp dẫn cho hàng Thái Lan vào Việt Nam.
Ngoài các hệ thống trên, tại các điểm phân phối như Parkson, Maximart hay một số cửa hàng tiện lợi như Family Mart, B’s Mart... hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản đa dạng về chủng loại và mẫu mã từ đồ gia dụng, điện tử, thời trang, rau củ quả tươi đang được bày bán rất phổ biến và chiếm tỷ lệ cao.
Từ những động thái của các Tập đoàn đến từ Thái Lan, Nhật Bản... đã cho thấy một nỗ lực không ngừng nhằm mục đích thâu tóm toàn bộ thị trường bán lẻ của Việt Nam. 

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đứng ở đâu?

Để đối phó lại sự bành trướng đến từ các tập đoàn ngoại đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải có chiến lược thông minh cùng với khả năng tài chính dồi dào. Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trong số ít những doanh nghiệp dám lao vào "cuộc chiến" không mấy dễ dàng này.
Có thể nói, Vingroup đang đi những bước đi "thần tốc" trên cuộc đua tới ngôi vị đứng đầu ngành bán lẻ Việt Nam bằng các cuộc thâu tóm ngoạn mục.

Trước sự bành trướng hiên ngang của các “ông lớn ngoại”, Tập đoàn Vingroup cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn thể hiện bản lĩnh vượt qua thị trường nước bạn bằng cách lên kế hoạch trong vòng 3 năm xây dựng hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ trong lộ trình phát triển 100 siêu thị và 1000 cửa hàng tiện ích.

Ngày 10.4.2015, Công ty CP siêu thị VinMart thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký kết hợp đồng mua lại 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex - trong Công ty TNHH MTV Thương mại và Thời trang Việt Nam – Vinatexmart với doanh số hàng năm của Vinatexmart đạt khoảng 1.700 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 10.2014, Vingroup cũng đã thực hiện một thương vụ đình đám bắt đầu đánh dấu sự bước chân vào hệ thống bán lẻ Việt Nam. Theo đó, Vingroup đã mua lại 70% cổ phần của CTCP Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail, doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Ocean Mart và Ocean Mart Express. Giá trị của thương vụ lên tới 570 tỷ đồng (70% cổ phần).

Sau đó, Vingroup đã đổi tên doanh nghiệp này CTCP Siêu thị VinMart và ra mắt hệ thống siêu thị mới mang tên VinMart và VinMart+.

Vingroup tiếp tục tiến sâu hơn vào thị trường bán lẻ với việc ra mắt chuỗi siêu thị điện máy với 2 mô hình VinPro và VinPro+. Cụ thể, VinPro là các Trung tâm Công nghệ điện máy trong các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom, còn VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tại các tỉnh, thành phố lớn.

Trong năm 2015 VinPro đặt kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng trên toàn quốc với 25 trung tâm công nghệ VinPro và 100 cửa hàng VinPro+.

Cho đến nay, hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ đã đưa vào hoạt động 14 siêu thị và 23 cửa hàng tiện ích tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Tp Hồ Chí Minh…

Hơn nữa, Vingroup cũng lên kế hoạch tiếp tục khai trương mới và sở hữu 25 trung tâm thương mại trên cả nước. Hiện tại, Vingroup đã có 6 trung tâm thương mại với tổng mặt bằng 500.000 m2.

Trước đó, ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Vingroup cho biết: “Với lợi thế sân nhà cùng việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, Vingroup chắc chắn sẽ góp phần làm nên bước ngoặt tại thị trường này trong thời gian tới".

Với thế có sẵn về mặt bằng bán lẻ, sự tham gia vào thị trường bán lẻ của Vingroup được coi là sẽ vẽ ra thế cân bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại trước việc các "ông lớn" nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam.
Ngoài Vingroup, cần phải kể đến hệ thống Saigon Co.op cũng đứng lên khẳng định vị thế của mình với tổng số 71 siêu thị (29 siêu thị tại TPHCM và mở rộng ra các tỉnh trong toàn quốc là 42 siêu thị) cùng với gần 100 cửa hàng tiện ích Co.op Food. 
Ngày 19.10.2014, Saigon Co.op chính thức khai trương đưa vào hoạt động siêu thị Co.op Mart Hạ Long vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng, nâng tổng số tổng siêu thị trên toàn quốc lên con số 72 siêu thị.
Tại hệ thống của Saigon Co.op có 30.000 mặt hàng các loại. Trong năm 2013, tỉ lệ hàng Việt đạt mức hơn 90%, tỉ lệ hàng Việt trong lĩnh vực thực phẩm đạt 95% và đạt 21.000 tỉ đồng doanh thu từ hàng Việt. 
Hiện nay, với việc cung cấp hơn 4 triệu sản phẩm, trong đó có 200.000 bữa ăn và 250.000 tấn hàng bình ổn bán cho hơn 300.000 lượt khách hằng ngày, Saigon Co.op trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và đứng trong top 500 nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á -Thái Bình Dương (do tạp chí bán lẻ Châu Á bình chọn năm 2014).
Chia sẻ về kinh nghiệm thành công trong chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op trao đổi với Báo NDH ngày 12.4 cho biết, để nâng cao tỉ lệ hàng Việt, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng tính chuyên nghiệp, chủ động của nhà phân phối hiện đại, Saigon Co.op đã tự sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng mang nhãn hiệu Saigon Co.op hoặc liên kết với những doanh nghiệp sản xuất trong nước hoặc các địa phương.
Đồng thời, để tăng năng lực cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ ngoại, Saigon Co.op đa dạng hóa, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng như hệ thống Co.opXtra, siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Trung tâm thương mại Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op…
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt 100 tỷ USD vào năm 2016. Với tiềm năng đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trở thành "miếng bánh ngon" cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng rõ nét đó là các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...đang ồ ạt vào Việt Nam mở rộng đầu tư. 
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực đáng được ghi nhận từ phía các doanh nghiệp nội. Hơn hết, sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt vẫn nắm giữ vai trò quan trọng dẫn đến sự thành công hay thất bại của bất cứ doanh nghiệp nào, và đây cũng là mục tiêu mà các doanh nghiệp trong nước cần phải quan tâm, hướng đến.
Tuyết Nhung(Tổng hợp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp nội bước vào cuộc chiến với Tập đoàn Nhật Bản, Thái Lan