Câu chuyện người nông dân chặt mía trồng cây khác, rồi khi cung vượt quá cầu, không xuất khẩu được, hàng nghìn tấn nông sản phải cho trâu ăn... không còn là chuyện xa lạ. Bài học này đã khiến nhiều người lo ngại: Liệu tương lai của cây mắc-ca có giống như thanh long, dưa hấu? 

Phát triển mắc-ca: Tương lai có giống như thanh long, dưa hấu?

Một Thế Giới | 14/04/2015, 14:53

Câu chuyện người nông dân chặt mía trồng cây khác, rồi khi cung vượt quá cầu, không xuất khẩu được, hàng nghìn tấn nông sản phải cho trâu ăn... không còn là chuyện xa lạ. Bài học này đã khiến nhiều người lo ngại: Liệu tương lai của cây mắc-ca có giống như thanh long, dưa hấu? 

Đó cũng chính là câu hỏi và nỗi trăn trở của không ít người dân nhân buổi tọa đàm "Mắc ca, từ vì sao đến như thế nào" do Báo điện tử Diễn đàn Đầu tư - BizLive tổ chức ngày 14.4.
Đầu ra vẫn là câu hỏi khó!
Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho đến thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định phê duyệt về quy hoạch phát triển cây mắc-ca trên phạm vi toàn quốc.
Bởi theo ông, muốn quy hoạch phát triển được thì cần phải có căn cứ đầy đủ cả về mặt khoa học và thực tiễn. "Tuy nhiên, việc quy hoạch với việc phát triển cây mắc ca là 2 việc không hề mâu thuẫn với nhau", ông Ngọc nói.
Theo đó, ông Ngọc cho rằng, Việt Nam cần phải tranh thủ để chớp lấy thời cơ đầu tư phát triển cây mắc ca trên cơ sở định hướng quy hoạch chung và của quy hoạch chi tiết từng vùng phù hợp với điều kiện sinh thái, phát triển cây mắc ca. 
Đồng thời, để chiếm lĩnh thị trường, chớp lấy thời cơ thì doanh nghiệp và người nông dân cũng phải hợp tác với nhau chặt chẽ ngay từ đầu. 
"Cây mắc-ca là cây ăn quả dài ngày cần phải có thời gian để sinh trưởng và phát triển, ra hoa kết trái và ra kết quả. Chúng ta phải chủ động chiếm lĩnh thời cơ này và vì vậy doanh nghiệp tham gia cùng bà con nông dân xây dựng chuỗi giá trị và thực hiện cây mắc ca là điều cần thiết. Ở đây không phải là con số cụ thể mà ở đây là phải tổ chức thực hiện như thế nào để cây mắc ca phát huy hiệu quả của nó", ông Ngọc cho biết.
phat-trien-mac-ca-tuong-lai-co-giong-nhu-thanh-long-dua-hau-hinh-anh-1
 TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng Hội nông nghiệp Việt Nam,
nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, hiện nay đang có nhiều băn khoăn về thị trường tiêu thụ, ai sẽ mua, mua với giá như thế nào? Đây là điều hết sức thực tế. Mua giống ở đâu, giá cả như thế nào và ai là người chịu trách nhiệm với chất lượng cây giống đó?... cũng là điều mà bất cứ người nông dân nào khi trồng đều cần phải biết.
"Các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm cung cấp thông tin một cách đầy đủ để giúp cho nông dân và cho các hộ nắm được điều này. Còn các hộ cũng cần phải chủ động tiếp cận với các đơn vị làm khuyến nông và quản lý nông nghiệp trên địa bàn cụ thể ở nơi mình sinh sống để nhận được những tư vấn đầy đủ và cần thiết", ông Ngọc cho biết.
Bàn về vấn đề đầu ra của mắc-ca, ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận đây là câu hỏi khó.
Tuy nhiên ông Ninh cho rằng, nếu ngay từ đầu có sự chung tay của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, trung ương như Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT, Bộ Công thương, tới các cơ quan chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đầu tư chế biến, phát triển mắc ca và bà con nông dân, thì chúng ta sẽ giảm thiểu được những rủi ro về sản phẩm mắc ca sau này.
Trong khi đó, GS. Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, lại khá lạc quan khi nhận định, đầu ra của mắc-ca không có gì phải lo lắng.
"Hiện Trung Quốc, Mỹ đang có nhu cầu rất lớn đối với mắc-ca. Đặc biệt, sắp tới khi Việt Nam tham gia vào TPP chúng ta có thể xuất khẩu sang nhiều nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt là Trung Quốc, người dân Trung Quốc đang rất khao khát thực phẩm sạch và giá mắc-ca ở Trung Quốc luôn luôn cao hơn so với các nước khác", ông Hòe lập luận.
Tương lai của mắc-ca có giống thanh long, dưa hấu?
Câu chuyện người nông dân chặt mía, chặt ngô để trồng loại cây khác như thanh long, dưa hấu, rồi khi cung vượt quá cầu, thủ tục xuất khẩu gặp khó khăn khiến hàng nghìn tấn nông sản phải đổ bỏ cho trâu ăn... không còn là câu chuyện quá xa lạ với người dân Việt.
Chính những bài học này đã khiến không ít người lo ngại: Liệu tương lai của mắc-ca có giống như thanh long, dưa hấu hiện nay? Liệu có xảy ra tình trạng khi cung vượt cầu sẽ khiến nông sản rớt giá, bị ép giá và đổ bỏ?
phat-trien-mac-ca-tuong-lai-co-giong-nhu-thanh-long-dua-hau-hinh-anh-2
 Ông Quách Đại Ninh, Vụ phó Vụ Phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Không dám hứa hẹn một tương lai sáng lạn cho cây mắc-ca, ông Quách Đại Ninh chỉ cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp đã có những bước đi căn bản như chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu khảo nghiệm mắc-ca trên 16 địa phương trong cả nước, đồng thời hỗ trợ một số địa phương xây dựng các vườn cây đầu dòng bằng các giống đã được công nhận.
"Bộ cũng đã lắng nghe, trao đổi với các nhà khoa học, kinh tế, quản lý, doanh nghiệp. Sắp tới sẽ có các cuộc hội thảo do các chuyên gia quốc tế từ Úc trình bày về thực trạng phát triển mắc ca trên thế giới, cũng như xu hướng của thị trường. Tất cả những bước đi của Bộ Nông nghiệp đều hướng tới phát triển bền vững ngành hàng mắc ca, hạn chế những rủi ro về mặt cung vượt cầu như lo ngại với các ngành hàng khác", ông Ninh nhận định.
Cũng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, không nên bàn nhiều đến những con số mà nên bàn là làm cách nào cho có hiệu quả hơn.
"Tại sao hành tây dư thừa không bán được, dưa hấu đổ đi cho trâu bò ăn không hết? Doanh nghiệp phải vào cuộc ngay từ đầu đối với những chương trình như thế này. Chỉ có doanh nghiệp mới kết nối được các quy trình từ sản xuất đến thu mua và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, cần phải có cam kết từ phía các doanh nghiệp", ông Ngọc nói.
Ông Trần Vinh - Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng cho rằng, nhu cầu hạt mắc ca trên thị trường rất lớn và giá hạt mắc ca tương đối ổn định, dao động từ 3-4USD/kg hạt khô. Hiện nay, sản xuất chỉ đáp ứng được ¼ sản lượng cho nhu cầu tiêu thụ hạt mắc-ca.
"Tôi nghĩ rằng trong 5-10 năm tới, giá hạt mắc ca vẫn ổn định và sản xuất hạt mắc ca ở những vùng có sinh thái phù hợp sẽ có lợi nhuận chứ không như dưa hấu hiện nay", ông Vinh cho biết.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 80.000 tỉ đồng và đạt tỷ lệ hơn 13,7%, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024 vẫn là một thách thức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển mắc-ca: Tương lai có giống như thanh long, dưa hấu?