Tại Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Thị trường Trọng tâm: Việt Nam”, giới đầu tư Thụy Sĩ đã được nghe những phần trình bày vô cùng chi tiết về tiềm năng của thị trường có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á.

Doanh nghiệp Thụy Sĩ tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam

theo Thanh Niên | 04/03/2021, 17:05

Tại Hội thảo trực tuyến về chủ đề “Thị trường Trọng tâm: Việt Nam”, giới đầu tư Thụy Sĩ đã được nghe những phần trình bày vô cùng chi tiết về tiềm năng của thị trường có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á.

Ngày 2.3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneva (CCIG) cùng Hội Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG) đồng tổ chức hội thảo trực tuyến về thị trường Việt Nam.

Trong khi CCIG có khoảng 2.400 thành viên thì SVBG vừa được thành lập vào cuối tháng 1, với tiêu chí hoạt động nhằm thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ và Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ - Tiến sĩ Lê Linh Lan chúc mừng sự ra mắt của SVBG, tổ chức hoàn toàn do người gốc Việt thành lập ở nước ngoài.

Bà cho hay sự ra đời của SVBG diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt trong quan hệ song phương, theo đó hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021).

Bất chấp thách thức từ dịch bệnh, nữ đại sứ khẳng định Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh, cho phép tiếp tục tăng trưởng kinh tế dương (2,91%) năm ngoái, trong lúc nhiều nước rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đặt chính phủ số là chiến lược trọng tâm của quốc gia, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường kinh tế thế giới.

Đồng thời, Việt Nam năm 2020 ký kết gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), kết thúc đàm phán FTA với Anh, và thúc đẩy thành công việc ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực (RCEP).

Tất cả những yếu tố trên chứng tỏ lợi thế so sánh vốn có của Việt Nam trong việc thu hút mạnh mẽ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trước những biến động của toàn cầu đến từ dịch COVID-19.

Tiếp lời đại sứ Việt Nam, Tổng giám đốc Vincent Subilia của Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Geneva chia sẻ quốc hội Thụy Sĩ vừa bỏ phiếu thông qua FTA với Indonesia trong tuần này, và hy vọng FTA với Việt Nam sẽ nằm trong nghị trình sắp tới của quốc hội.

Theo bà Nguyễn Thị Thục, Chủ tịch sáng lập SVBG, quan hệ kinh tế song phương đang diễn ra tốt đẹp nhờ quan hệ ngoại giao hữu nghị, thân thiện giữa 2 quốc gia suốt nửa thế kỷ qua. Bên cạnh đó là sự quý mến lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Tuy nhiên, bà cho rằng: Mức quan hệ hiện tại (tổng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Thụy Sĩ ở Việt Nam khoảng 2 tỉ USD, thương mại song phương hơn 3,3 tỉ USD) có thể nói chưa phản ánh được tiềm năng thực sự là còn dưới tiềm năng rất nhiều, khi mà hai nước có những đặc thù tự nhiên và kinh tế có thể hỗ trợ cho nhau rất tốt, từ khía cạnh thị trường, nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên, cho đến trình độ giáo dục, công nghệ, sản xuất và chế tạo.

Thụy Sĩ là quốc gia rất mạnh về đầu tư ra nước ngoài, họ đứng thứ 6 trên thế giới về tổng vốn đầu tư ở nước ngoài hiện nay. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ, tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản các doanh nghiệp nước này ở nước ngoài là 1.467 tỉ CHF (hơn 1.600 tỉ USD). Hãy nhìn tương quan dân số Việt Nam trong thế giới, so với con số 2 tỉ USD ở VN trong tổng số 1.600 tỉ USD của Thụy Sĩ ở nước ngoài thì chúng ta thấy ngay hiện thực “dưới mức tiềm năng”.

Nhiều doanh nghiệp lớn của Thụy Sĩ đã có mặt ở Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ - có số lao động dưới 250 người, vốn chiếm hơn 99,5% tổng số doanh nghiệp của Thụy Sĩ - thì không có nhiều điều kiện để khám phá các thị trường xa xôi như Việt Nam. SVBG ra đời là để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chứ không có tham vọng giúp các tập đoàn lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Thụy Sĩ tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam