Các doanh nghiệp (DN) xây dựng đề nghị phải có chế tài để phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng, để DN xây dựng quay vòng vốn.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN xây dựng quý 2/2023 khả quan hơn quý 1/2023, với 25% DN nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 37,9% DN nhận định hoạt động SXKD giữ ổn định và 37,1% DN nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Dự báo quý 3/2023 so với quý 2/2023, các DN xây dựng nhận định hoạt động SXKD tốt lên với 27,1% DN dự báo hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 49,4% nhận định giữ ổn định và 23,5% dự báo khó khăn hơn.
Khảo sát cho thấy, trong quý 2/2023 phần lớn DN nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng so với quý 1/2023.
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động sản xuất trong các DN xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của họ.
Trong quý 2/2023, có 49,8% DN nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý 1/2023; 32,2% DN nhận định không đổi và 18,0% DN nhận định giảm. Trong quý 3/2023, đa số DN dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý trước.
Về số lượng hợp đồng xây dựng mới, các DN nhận định hợp đồng mới quý 3 sẽ tăng hơn so quý 2/2023 với 27,1% DN nhận định tăng; 49,4% DN nhận định không thay đổi; 23,5% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Quý 2/2023 có 22,9% DN đánh giá hoạt động dưới 50% năng lực thực tế; 33,1% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế; 26,1% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 15,7% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 90 đến 100%; chỉ 2,2% DN đánh giá DN hoạt động trên 100% năng lực thực tế của họ.
Có 75,9% DN vay vốn phục vụ SXKD: có 80,9% DN vay ngân hàng; 11,4% DN vay người thân, bạn bè; 6,3% DN vay tổ chức tín dụng khác; 2,2% DN vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,6% DN vay từ các nguồn khác.
Trong số các DN có vay vốn ngân hàng phục vụ SXKD, chỉ có 24,0% DN tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 76,0% DN không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.
Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, có 15,3% DN nhận định tình hình vay vốn quý 2/2023 thuận lợi hơn quý 1/2023, 53,2% DN nhận định không thay đổi, 31,5% DN nhận định tình hình vay vốn khó khăn hơn.
Theo đánh giá của các DN xây dựng, quý 2/2023, hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, các DN này đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay.
Các DN cũng đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.
Các DN đề nghị phải có chế tài để xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản để họ quay vòng vốn cho hoạt động SXKD.
Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các DN, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn điều kiện rõ ràng để xác định đối tượng được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% (theo nghị quyết số 43/2022/QH15). Đối với những DN đủ điều kiện vay, cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể thủ tục để họ sớm được giải ngân.
Họ cũng kiến nghị giảm thuế TNDN, giãn nợ thuế, gia hạn thời gian nộp thuế; chuyển một phần gói hỗ trợ lãi suất 2% sang những mục tiêu khác như quỹ hỗ trợ thuế để hỗ trợ những DN không đủ điều kiện vay.
Trước tình trạng lao động nghỉ việc, chuyển việc do bị nợ lương, chậm lương quá lâu, DN mong muốn được nhanh chóng thanh quyết toán nợ đọng, được giải ngân vốn, tạm ứng vốn đúng kỳ hạn để thanh toán nợ lương cho người lao động.
DN ngành xây dựng cũng đề nghị bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, công tác quy hoạch đối với những dự án được phê duyệt từ lâu nên rà soát lại cho phù hợp với thực tế để DN triển khai không bị gián đoạn.