Các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, riêng nhóm ngân hàng có vốn nhà nước mức giảm lên tới 1%/năm.

Lãi suất tiết kiệm, huy động cùng giảm mạnh

Tuyết Nhung | 25/06/2023, 14:39

Các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm, riêng nhóm ngân hàng có vốn nhà nước mức giảm lên tới 1%/năm.

Trong tuần qua, 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đồng loạt giảm lãi suất huy động từ 0,5% đến 1% với tất cả kỳ hạn.

c7eecd0d-ef54-4d24-9089-b9be5b73a75e.jpeg

Lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy và online tại nhóm của 4 ngân hàng nhà nước này hiện chỉ còn 6,3%, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, đã giảm hơn 0,5 - 0,7 % so với tháng 5.

Với các khoản tiền gửi ngắn hạn hơn, khách hàng gửi 1 tháng chỉ còn được trả 3,4% khi giao dịch tại quầy và khoảng 4% nếu gửi trực tuyến. Mức lãi suất tiền gửi 3 tháng xoay quanh 4,1 - 4,5%/năm. Còn mức lãi suất gửi 6 hoặc 9 tháng là 5 - 5,5%/năm.

Trong khi đó, đến ngày 21.6, lãi suất huy động tại cả 4 ngân hàng lớn đã đồng loạt được điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động tại cả 4 ngân hàng lớn đang tương tự nhau ở tất cả các kỳ hạn.

Động thái giảm lãi suất của loạt ngân hàng diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng và lãi suất điều hành vào ngày 16.6. Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy một tháng và lần thứ 3 trong năm nay Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng, xuống 4,75%/năm.

Giảm trần lãi suất huy động và điều hành, theo Ngân hàng Nhà nước là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay. Quyết định này được đưa ra theo chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm các loại lãi suất điều hành từ ngày 19.6, nhiều ngân hàng đã mạnh tay hạ lãi suất huy động.

Lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng tại hàng loạt ngân hàng đã giảm xuống mức kịch trần theo quy định mới là 4,75%/năm như: Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... Thậm chí, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) còn giảm lãi suất các kỳ hạn nói trên chỉ còn từ 4 - 4,5%/năm khi gửi tiết kiệm thông thường và từ 4,4 - 4,75%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng hạ lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng về mức 4,5%/năm, các kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng giảm còn 4,75%/năm.

Tương tự đối với các kỳ hạn dài, Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvCombank) giảm mạnh 0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn 6 tháng trở lên, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng xuống còn 7%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 7,4%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm và trên 12 tháng là 7,8%/năm.

OCB cũng đưa lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng xuống mức 7,3%/năm và 7,4%/năm, giảm 0,5%/năm so với trước. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng còn 7,6%/năm, các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên còn 7,4%/năm...

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5 - 2%/năm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo, đến nay cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm, lãi suất cho vay bình quân VNĐ ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).

Cũng theo Phó thống đốc, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 11%. Tuy nhiên, đến ngày 15.6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỉ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, nghĩa là hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu. Đây cũng là con số tăng trưởng tín dụng khá chậm nếu so với các năm trước.

Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Ở góc độ nhà điều hành, NHNN cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh hay không. Việc duy trì tăng trưởng tín dụng tốt cần đi kèm với đảm bảo chất lượng, hiệu quả".

Bài liên quan
Loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trên 8%
Hàng loạt ngân hàng vừa mới điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Điều này kéo theo mặt bằng lãi suất liên tục tăng và xuất hiện mức lãi trên 8%, thậm chí tới 8,5%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm, huy động cùng giảm mạnh