Tuy phải sống trong môi trường mới, Michelle cùng bọn trẻ phải thích nghi nhanh, bà không khó khăn để tạo sự gần gũi thân mật, bảo đảm sự chân thành và tôn trọng các cộng sự và nhân viên phục vụ.
Thực tâm, bà không muốn mình trở thành món trang trí đỏm dáng trong các bữa tiệc hay lễ lạc ở Nhà trắng. Các con bà phải tự dọn phòng mỗi sáng, không nhờ vã hay yêu cầu bất cứ việc gì trừ những việc chúng không tự làm được. Bà quyết định mở mảnh vườn trồng rau ngay trong Nhà Trắng , dù lúc đầu có khó khăn đôi chút vì phải thuyết phục Sở Công viên quốc gia và đội quản lý đất đai Nhà Trắng. Nhưng rồi bà cũng vỡ hoang được 100 mét vuông hình chữ L mà từ ngoài Nhà Trắng có thể nhìn thấy. Mảnh vườn này do bà và các học sinh tiểu học gần đó chăm nom.
Bà cho biết chỉ trong 2 tháng rưỡi, với 200 đô la sắm cây giống và đất sạch, một ít phân bón, đã thu được 40 kg sản phẩm, được chế biến thành thực phẩm ngay trong Nhà trắng. Bà muốn mở rộng hơn mảnh vườn để góp phần quảng bá việc dùng thực phẩm ngon và lành, tốt cho sức khỏe, ngăn chận nạn béo phì tăng nhanh trong trẻ em...
Vả lại làm vườn cũng vô hại về mặt chính trị mà các cố vấn của Barack quan tâm tới dư luận có thể có quanh bà đệ nhất phu nhân. Bà còn biết thêm dâu tây chín mọng vào tháng 6, các loại rau có lá sẫm màu có nhiều dưỡng chất hơn… Tất nhiên bà quan sát và kiểm soát việc chi tiêu của gia đình vì mọi thứ ở đây đều đắt đỏ.
Đón học sinh, thiếu nhi thăm Nhà Trắng
Dù không phải trả tiền nhà, điện nước và lương nhân viên đều do ngân sách cấp, nhưng gia đình bà phải trang trải mọi thứ sinh hoạt đang tăng nhanh mà vào loại sang nữa. Bà phải thanh toán hóa đơn từng món ăn hàng tháng, cả giấy vệ sinh, trả chi phí cho từng khách ngủ qua đêm hoặc dùng bữa với gia đình. Có hôm bà phải trả tiền cho món Sushi được tính với giá trên trời vì phải nhập từ nước ngoài phục vụ cho tổng thống tiếp khách. Ngoài những chuyện nói trên, nói chung cách nhìn của bà Michelle là những gì thuộc về chính trị thì ông Obama đảm trách còn bà đứng ngoài, không dây vào, cho an toàn, tránh lập lại những sai lầm của ai đó đi trước như đã nói trên.
Làm đệ nhất phu nhân quả phải cẩn trọng quá nhiều thứ trong nước Mỹ với người dân Mỹ. Nhưng ra nước ngoài trong những dịp tháp tùng tổng thống cũng không dễ chút nào. Bà Michelle tưởng đâu Nhà Trắng đã quá sức tưởng tượng về độ rộng, vậy mà khi thăm Vương quốc Anh, diện kiến Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị tại Điện Buckingham trong chuyến đi quốc tế đầu tiên dự Hội nghị G20 do Thủ tướng Anh Gordon Brown mời, mới biết dinh cơ của Nữ hoàng hoành tráng hơn nhiều so với ngôi nhà ông bà đang ở tại Mỹ.
Điện Burkingham có 775 phòng, lớn hơn Nhà Trắng 15 lần, có phòng Lam rộng gấp 5 lần phòng Lam ở nhà, có vườn hồng rộng nửa hecta, trồng hàng ngàn bông hồng đẹp không tì vết khiến cho vài bụi hồng ở Nhà Trắng kém khí thế quá. Bà cũng tiếp chuyện Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Sarkozy, Quốc vương Arab Saudi, Thủ tướng Nhật Bản… nhưng rất kiệm lời vì sợ có thể nói sai.
Vậy mà có một động tác choàng tay qua vai Nữ hoàng một cách bản năng thể hiện sự quý mến, cảm thông thì Michelle liền bị báo chí kết tội “dám ôm Nữ hoàng” vi phạm nguyên tắc ngoại giao. Chuyện thế này, Nữ hoàng Anh khen là Michelle có vóc dáng cao, Michelle trả lời là do mang giày gót cao và nhờ vậy, dáng đẹp nhưng cũng đau chân lắm. Nữ hoàng than nhẹ đúng là mang giày gót cao thường đau chân lắm, bà cũng vậy. Và Michelle chợt choàng tay qua vai bà siết nhẹ. Chỉ có vậy mà đủ thứ phê phán.
Bà Michelle còn đi thăm các em trường nữ phổ thông có 90% trên 900 em da đen hoặc thuộc nhóm thiểu số. 1/5 số đó là con cái của người di dân hay tị nạn. Phát biểu với các em sau khi xem chương trình văn nghệ tự các em chuẩn bị, bà nói rằng bà cũng từ một gia đình khiêm tốn về vật chất nhưng tràn ngập yêu thương, và trường học là nơi có thể bắt đầu khẳng định bản thân, học vấn là thứ đáng để nỗ lực, và chính là bàn đạp của các em bước vào tương lai trong thế giới này.
Trong những năm ở Nhà Trắng, bà thích làm việc trong yên lặng, thực hiện từng bước các kế hoạch, cho đến khi có kết quả mới công khai và tìm cách mở rộng. Thí dụ như việc tạo lập mảnh vườn, bà muốn nêu vấn đề lớn hơn. Đó là có gần 1/3 trẻ em Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì khi ông Obama nhậm chức. Tỷ lệ trẻ em béo phì trong ba thập kỷ trước tăng ba lần. Bệnh cao huyết áp, đái tháo đường tuyp 2 ở mức kỷ lục. Béo phì cũng bị cho là một nguyên nhân thanh niên Mỹ không được nhập ngũ… Làm nông nghiệp, trong đó làm vườn phải vươn tới mục tiêu làm sao cho dân biết ăn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng mà không béo phì, không bị cao huyết áp…
Chuyện bà Michelle làm vườn không phải làm cảnh cho vui mà ý nghĩa của nó thiệt là sâu xa vì thế về sau diện tích khu vườn đã tăng gấp đôi.
Đọc bài diễn văn cuối cùng trong vai trò Đệ nhất phu nhân
Bà Michelle nhớ lại những ngày ở Chicago, được ba mẹ dạy phải tự mình làm lấy mọi việc, không ỷ lại người khác, mà nay trong ngôi nhà đồ sộ này bà như bị phó thác cho những người xa lạ, cả những cô gái trẻ hơn tới 20 năm. Mọi sinh hoạt như được lập trình sẵn mà bà và các thành viên gia đình phải miễn cưỡng chấp hành.
Dù chuyện này giúp bà có nhiều thời gian để nghĩ những việc khác quan trọng hơn, nhưng sống như chiếc robot có gì thú vị và đâu còn là chính mình.
Nhà báo Nguyễn Kiến Phước
Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 1: Cuộc tình Michelle - Obama
Đọc ‘Chất Michelle’ hiểu thêm xã hội và con người Mỹ - kỳ 2: Tranh cử, cuộc chiến khốc liệt