Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục kêu lỗ trong những năm qua bất chấp tăng giá điện, điều này luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Độc quyền nhưng năm nào EVN cũng kêu lỗ, vì sao?

Tuyết Nhung 11/10/2024 11:28

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục kêu lỗ trong những năm qua bất chấp tăng giá điện, điều này luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.

EVN cho biết trong các năm 2020 và 2021 (là các năm diễn ra đại dịch COVID-19), nhờ các thông số đầu vào nhiên liệu cho khâu phát điện duy trì ở mức thấp cũng như các nỗ lực tiết kiệm chi phí trong toàn EVN, thì EVN đều hoạt động ổn định và có lợi nhuận. Năm 2020, công ty mẹ - EVN có lợi nhuận khoảng 1.500 tỉ đồng và năm 2021 là hơn 5.800 tỉ đồng.

Đối với năm 2022, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN được lập theo đúng quy định, đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam. Kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 cũng đã được kiểm tra bởi đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 543 về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Theo số liệu công bố tại buổi họp báo ngày 31.3.2023, giá bán lẻ điện bình quân bán cho khách hàng sử dụng điện theo biểu giá điện do Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, trong khi đó giá thành mua điện từ các nhà máy điện (bao gồm cả chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) là 2.032,26 đồng/kWh. Vì vậy, với mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện năm 2022 thì EVN lỗ 149,53 đồng/kWh, làm EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện âm 36.294,15 tỉ đồng năm 2022.

Nhờ có thu nhập từ các hoạt động khác liên quan tới sản xuất kinh doanh điện là 10.058,36 tỉ đồng (thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng; thu nhập từ hoạt động tài chính của công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các tổng công ty điện lực; thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của công ty mẹ EVN và các tổng công ty điện lực) nên số lỗ tổng hợp sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN chỉ còn âm 26.235,78 tỉ đồng.

Giá thành mua điện từ các nhà máy điện bán tới khách hàng bao gồm giá thành khâu phát điện, giá thành khâu truyền tải, khâu phân phối - bán lẻ, khâu phụ trợ. Trong đó, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng chủ yếu. Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. EVN đã thực hiện các giải pháp nội tại để giảm chi phí như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn từ 20 - 40%... làm cho giá thành khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ năm 2022 giảm 19,69 đồng/kWh so với năm 2021 (chỉ còn 333,81 đồng/kWh năm 2022 so với 353,5 đồng/kWh năm 2021).

Nhưng do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 (giá nhiên liệu than, dầu, khí) tăng đột biến so với các năm trước đây nên làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh trong năm 2022 (tương ứng mức tăng 192,05 đồng/kWh).

Năm 2022, các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh. Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.

Đến năm 2023, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 528.604,24 tỉ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338,94 tỉ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Tổng chi phí khâu phát điện là 441.356,37 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.744,12 đồng/kWh; so với năm 2022, chi phí khâu phát điện năm 2023 tăng 29.112,84 tỉ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 18.879,15 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 74,61 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 66.773,11 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 263,87 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.595,60 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,31 đồng/kWh. Tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 428, 54 tỉ đồng.

Lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 là 253,05 tỉ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359,28 tỉ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 34.244,96 tỉ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423,40 tỉ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

"Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong việc thực hiện đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành để góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh thay cho các khách hàng sử dụng điện", đại diện EVN nhấn mạnh.

Các nguyên nhân trên đã làm EVN lỗ sản xuất kinh doanh dù EVN đã rất nỗ lực và quyết liệt triển khai các giải pháp nội tại để tiết giảm chi phí trong toàn EVN. Đại diện EVN cũng khẳng định không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành. Các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được EVN thoái hết vốn nên không có các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành.

Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN. Việc tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân đã được EVN, Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định.

Bài liên quan
6 tháng cuối năm: Nắng nóng cực đoan và mưa bão, EVN cung ứng điện thế nào?
EVN khẳng định nắng nóng cực đoan khiến tình hình tiêu thụ điện liên tục lập kỷ lục. Dù vậy vẫn không xảy ra tình trạng mất điện, cắt điện do thiếu điện.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 2.11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì Phiên họp năm 2024 của Ủy ban để thảo luận về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế". Cùng dự có Phó thủ tướng Lê Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban; lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan Trung ương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Độc quyền nhưng năm nào EVN cũng kêu lỗ, vì sao?