Giáo dục. Học giả đau đáu. Phụ huynh chen nhau đạp cổng mua hồ sơ. Chính trị gia hô vang quyết tâm đến vỡ cả lồng ngực… Cả xã hội quay cuồng đi tìm lời giải cho giáo dục trong 30 năm qua.
Nhưng đâu là vòng kim cô? Đâu là thuốc giải? Thuốc giải không nằm trong tay “Đường Tăng”, càng không nằm trong tay ‘Tôn Ngộ Không” mà được Phật Tổ thâm sâu giấu kín trong ba bình hồ lô thông nhau, không dễ gì nhìn thấy và càng khó chạm tay vào, nếu không kiên nhẫn đi theo con đường chính nghiệp, mà chỉ chăm chăm đốt cháy giai đoạn.
Giáo dục không chỉ là lý tưởng, đạo đức, chân thiện mỹ như trồng Bonsai nữa, mà giáo dục sẽ cài thêm hay tước đi mảnh cơm, manh áo của từng công dân Việt khi AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) từng bước tự do hóa thị trường lao động ASEAN, thị trường dịch vụ sẽ được phẳng hóa trong TPP. Sai lầm trong cách tiếp cận giáo dục không chỉ lãng phí tiền thuế của dân, mà còn hủy hoại khoản đầu tư của từng phụ huynh vào giáo dục của con cái. Triết lý giáo dục trong nền kinh tế thị trường khác biệt như thế nào với giáo dục thời kỳ bao cấp? “Đẩy mạnh xã hội hoá, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” (Báo cáo chính trị Đại hội Đảng 12) đã đủ để hóa giải vòng kim cô?
Theo quan sát của tác giả, “xã hội hóa giáo dục” đã phần nào đem lại thành công cho các trường PTTH (cấp III) tư thục, nhưng đối với đại học tư thục rất khiêm tốn, ngoại trừ các trường nước ngoài như RMIT. Tại sao RMIT thành công, còn các trường tư thục của người Việt lại không có cơ hội, họ có được miễn trừ gì không? Với cùng triết lý giáo dục, nhưng cấp III tư thục khá thành công, còn giáo dục đại học thì không; phụ huynh cấp III có cách né gì không?
Tác giả mạo muội đưa ra giả thuyết về “ba cái bình hồ lô” thông nhau để giải thích hiện tượng này.
Quyền tự do nghề nghiệp bắt đầu từ quyền tự do học tập
Hiện nay trong Hiến pháp 2013, quyền “tự do lựa chọn nghề nghiệp” (Điều 35.1) được đặt trướcquyền tự do học tập (Điều 39), và các học giả thường phân tích hai quyền này một cách biệt lập. Nhưng trong thực tế, quyền tự do học tập phải đặt trước tự do nghề nghiệp.
Trong thế kỷ 21, kiến thức của nhân loại ngày càng đồ sộ, chủ nghĩa kinh nghiệm mất dần vị trí, thay vào đó người lao động cần được đào tạo mới mong có việc làm tốt. Nếu nhà nước cấm mở trường, cấm mở mã ngành, cấm dạy một nghề nghiệp nhất định, thì lúc đó tự do lựa chọn nghề nghiệp trở nên vô nghĩa.
Thay vì xây dựng theo triết lý “từ thị trường (lao động) đến nhà trường”, thì Việt Nam đang đi theo triết lý “thị trường – nhà nước – nhà trường” thông qua việc hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học, cấp phép, phê duyệt mã ngành đào tạo mới. Cơ chế này tạo ra độ trễ của hệ thống giáo dục trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (theo ước tính của tác giả, độ trễ này trung bình khoảng 4 năm từ khi thị trường phát tín hiệu – nhà trường nhận thức – xây dựng đề án – phê duyệt). Tệ hơn, khi nhà nước nhận dạng sai tín hiệu, khuynh hướng của thị trường lao động, thì người mất mát, thất nghiệp là sinh viên, chứ không phải là bộ trưởng giáo dục; điều này góp phần lý giải Việt Nam có 178.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp[1].
Nhà trường cần được định hướng phục vụ thị trường lao động
Nếu như nhà nước thay thị trường quyết định ngành đào tạo chỉ tạo ra độ trễ và sai lệch trong “loại sản phẩm” cung cấp cho thị trường lao động, thì việc kiểm soát danh mục môn học, nội dung từng môn học sẽ ảnh hưởng đến “chất lượng sản phẩm” khi so sánh cùng “loại sản phẩm” từ các nước AEC hay TPP.
Nếu như kỹ sư giao thông AEC được dành thời gian trọn vẹn 5 năm cho các vấn đề kỹ thuật và cốt làm sao thiết kế thi công nên cây cầu, con đường đẹp nhất, bền nhất, chi phí thấp nhất; thì nền giáo dục Việt Nam "tham vọng" hơn, muốn người kỹ sư trước hết phải “thấm nhuần lý tưởng”, nắm vững lịch sử cách mạng trên từng cung đường, từng câu cầu, và quyết định cắt giảm thời gian học các môn kỹ thuật, đưa vào từ 12 – 16 tín chỉ bắt buộc.
Tuy nhiên, khi tuyển dụng, những giá trị này của kỹ sư Việt Nam không làm tăng chất lượng công trình, tăng lợi nhuận của nhà thầu vì vậy không giúp ích gì họ trong việc giành được việc làm. Như vậy, thời gian của sinh viên, tiền bạc của cha mẹ tương ứng với 12 tín chỉ này là để phục vụ nhà nước, chứ không phải phục vụ thị trường lao động, phục vụ người học. Nhà trường, phụ huynh, sinh viên không có tiếng nói quyết định trong vấn đề này.
Tuy nhiên, những trường đại học nước ngoài như RMIT, các trường học quốc tế lại được miễn khỏi nghĩa vụ đưa vào các môn học bắt buộc, họ được phép tự do chiều lòng thị trường lao động. Điều này góp phần lý giải tại sao RMIT sang Việt Nam tuyển người Việt làm sinh viên, tuyển người Việt làm giảng viên nhưng họ lại thành công hơn các trường bản địa, bên cạnh một số lý do khác; giải thích lý do tại sao bằng đại học Việt Nam khi đi ra các nước tiên tiến chỉ được xếp tương đương cao đẳng ít nhất là về phương diện thời gian học chuyên môn; lý giải tại sao sinh viên năm thứ hai một trường đại học Việt Nam hàng đầu của Việt Nam khi tham gia trao đổi (studentexchange) được xếp chung với các học sinh 16 tuổi của trường cấp III của Singapore (SP - Singapore Polytechnics), mà họ cứ tấm tắc khen hay. Không hay sao được, khi học sinh của trường cấp III này có tới 16 bằng sáng chế đăng ký quốc tế, còn sinh viên Việt Nam năm thứ hai vừa kết thúc học 16 tín chỉ bắt buộc.
Tác động ngược từ quyền tự do lao động đến giáo dục
Quyền tự do lao động không chỉ dừng lại ở việc được tự do lựa chọn nghề nghiệp, mà đòi hỏi phải được đối xử bình đẳng, có cơ hội cạnh tranh việc làm bình đẳng. Nếu thị trường lao động bị méo mó, nó sẽ hướng học sinh và phụ huynh chạy theo những méo mó của thị trường lao động một cách tương ứng.
Nhà nước theo đuổi chính sách bảo đảm ‘vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”. Kinh tế nhà nước, cùng với ba hệ thống tổ chức: tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội trải dọc bốn cấp tạo ra một thị trường lao động rất lớn (tác giả tạm gọi là thị trường lao động công). Đúng như lời Chủ tịch Trương Tấn Sang, trong thị trường này thu nhập không tương ứng với chất lượng lao động mà là“nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”, 5C, 5Đ[2]. Để hạn chế hiện tượng 5C, 5Đ thì nhà nước đặt ra chế độ bằng cấp như là một giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc tìm người tài.
Với tình trạng tham nhũng, chạy chức quyền phổ biến như hiện nay, thì nhà nước chỉ có thể kiểm soát được con dấu thật đóng lên một cái phôi bằng thật, mà không thể nào kiểm soát được cái phôi thật che cái trình độ giả (bằng giả cấp độ II). Bởi vậy, một bộ phận không nhỏ liền vung tiền đầu tư cho cái bằng giả cấp độ II như một thẻ thông hành cho quan lộ. Trước làn sóng này, một số trường đại học có danh tiếng truyền thống muốn chấp nhận tuyển sinh chọn lọc, giảm quy mô, nhưng tăng học phí để bù đắp. Ngay lập tức họ đụng trần học phí do Bộ Tài Chính quy định (trong khi đại học nước ngoài RMIT không bị điều chỉnh bởi trần này). Giữ miếng cơm, manh áo vốn đã eo hẹp, trước cơn lốc cạnh tranh này, nhiều trường danh tiếng đã gia nhập cuộc đua bằng cấp để bán vào thị trường lao động công.
Điều này có nghĩa, sự méo mó trong thị trường lao động công trực tiếp tác động đến giáo dục đại học, trong khi giáo dục phổ thông dường như không chịu sự tác động này. Bởi, hàng chục năm trời, Việt Nam vẫn duy trì được cuộc thi tuyển sinh đại học tập trung, hạn chế sự tham nhũng và vì vậy đây là một cuộc thi thật. Cuộc thi thật cần trình độ thật. Vì vậy, phụ huynh chỉ cần con mình làm sao thi đỗ đại học, trường tư chất lượng cao có đất sống, có cơ hội thành công như hiện nay.
Như vậy, không thể cắt khúc, giải quyết riêng biệt, mà phải đồng thời “tát cạn ba cái bình hồ lô thông nhau này” thì mới có thể tìm thấy chiếc chìa khóa giải quyết bất kỳ vấn đề nào trong ba vấn đề này. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học hiện đại, thì phải áp dụng phương pháp Balanced Scorecard. Hai trong số ba “hồ lô” này đã được đề cập tại Mục V Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 trong mối quan hệ “đồng bộ”, trong đó vấn đề giáo dục đã được đặt lên trước vấn đề nhân lực cho thị trường lao động thay vì đặt “tự do lựa chọn nghề nghiệp” trước “tự do học tập” như trong Hiến pháp. Đây là một logic đúng đắn, cần được tiếp tục mổ xẻ, để xây dựng phương án khả thi.
Khi theo đuổi các giá trị chân thiện mỹ thuần túy, chúng ta có thể thổi hồn vào Bonsai, khi trồng cây để làm cảnh quan môi trường, thì làng trồng làng chịu; nhưng khi trồng cây để lấy gỗ như một loại hàng hóa, rủi ro do chính chủ vườn gánh chịu, thì chủ vườn cần được trao tiếng nói mang tính quyết định trọng việc trồng cây gì, như thế nào để đáp ứng thị trường tốt nhất. Tương tự, trồng người trong bối cảnh thị trường và cạnh tranh toàn cầu, cần đi từ thị trường, đến người học và phụ huynh, đến nhà trường, sau đó mới đến nhà nước, chứ không phải nhà nước phát lệnh trồng rừng cho các hợp tác xã, hợp tác xã phát lệnh cho xã viên như thời bao cấp nữa.
Võ Trí Hảo (VICC Thinker, Giảng viên Chương trình thạc sĩ Luật kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM)
[1] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/gan-178-000-cu-nhan-thac-si-that-nghiep-3251443.html
[2] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Dai-bieu-lo-ngai-Tien-te-hau-due-quan-he-roi-moi-den-tri-tue-post152402.gd