Thời tiết gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, việc đảm bảo cung cấp điện cho người dân và doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Dồn lực cung cấp điện cho miền Bắc trong mùa khô 2024

Tuyết Nhung 08/04/2024 16:55

Thời tiết gay gắt, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, việc đảm bảo cung cấp điện cho người dân và doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn.

Dồn lực cung cấp điện cho miền Bắc

Tại cuộc tọa đàm "Chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024" chiều 8.4, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết năm 2024 là năm phát triển mạnh mẽ nhu cầu sử dụng điện của toàn quốc gia, trong đó có miền Bắc. Đứng trước nguy cơ nắng nóng, Bộ Công Thương đã nhận định tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng nguồn điện toàn nền kinh tế trong năm 2024 lên đến 9,6%/năm, tốc độ này suốt từ năm 2018 đến giờ mới nhìn nhận tăng trưởng như vậy.

dien.jpg
Theo dự kiến, mùa hè 2024 sản lượng điện tiêu thụ có thể tăng lên 1 tỉ kWh/ngày, cao hơn kỷ lục của năm 2023 - Ảnh: Internet

Trong các tháng đầu năm, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia nhận thấy nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%, đây là các tháng chưa nắng nóng. Đối với các tháng 5, 6, 7 nắng nóng hơn, tốc độ tăng có thể lên tới 13%.

Theo ông Trung, nhu cầu sử dụng điện ở miền Bắc kể cả sinh hoạt lẫn công nghiệp khoảng 25.000MW, tăng 10%/năm nghĩa là 2.500MW. Mỗi năm, cả nước cần thêm một nhà máy như thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành mới đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía bắc. Đây cũng là thách thức đối với ngành điện.

Trước khó khăn như vậy, đối với thủy điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có chiến lược tích nước trong các hồ để sử dụng vào những lúc cần thiết. Đó là lúc nắng nóng nhất, các tháng 5, 6, 7. Cụ thể, tính đến ngày hôm nay, A0 đã trữ nước trong các hồ thủy điện cỡ 11 tỉ kWh điện. Cùng giờ này năm ngoái, A0 trữ được có 7 tỉ kWh, nghĩa là cao hơn 4 tỉ kWh trong các hồ.

Đối với các nhiên liệu khác, A0 đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền, nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành là nguồn khí hóa lỏng LNG.

Ông Trung cho biết hiện EVN đang thương thảo và ký hợp đồng với bên cung cấp khí, để có khả năng chạy nguồn khí LNG ở nhà máy tại Đông Nam Bộ vào ngày 15.4 này. Lần đầu tiên chạy LNG để phát điện trong năm 2024, đây là một trong những giải pháp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được đánh giá là hữu hiệu, có thêm nguồn điện bổ sung cho đất nước.

Đối với nguồn nhiệt điện than, tua bin khí, EVN cũng như các đơn vị ngoài ngành cũng có được chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực để rà soát, chuẩn bị vật tư dự phòng làm sao tận dụng tối đa cả về nhiên liệu than lẫn nhiệm vụ khả dụng của các tổ máy. Hiện nay nguồn than chiếm 50% sản lượng, nếu có vấn đề gì cũng rất ảnh hưởng. Cục Điều tiết điện lực đã cử rất nhiều đoàn đi làm việc với các địa phương, nhà máy điện để rà soát lại công tác quản lý kỹ thuật làm sao khả dụng được việc này.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đã xác định những khó khăn trong cung ứng điện sẽ diễn ra trong mùa hè năm 2024 tại khu vực miền Bắc, địa bàn quản lý vận hành và bán điện của tổng công ty. Do vậy, ngay từ cuối năm 2023, đơn vị này đã chỉ đạo và giám sát các đơn vị thành viên thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện thực hiện toàn diện trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, kinh doanh dịch vụ khách hàng, tiết kiệm điện.

Ông Trần Minh Dũng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc khẳng định xác định nhiệm vụ trọng tậm trong công tác quản lý phụ tải khi tình hình cung ứng được cảnh báo có nhiều khó khăn xảy ra trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt khi thời tiết cực đoan có thể xảy ra thiếu điện cục bộ tại một số khung giờ cao điểm trong những ngày nền nhiệt rất cao, như cầu tiêu thụ điện tăng mạnh, các công ty điện lực đã "bám" sở công thương địa phương để "chốt" được danh sách các phụ tải quan trọng đảm bảo cấp điện theo quy định của Bộ Công Thương, từ đó lập các phương án vận hành trong trường hợp hệ thống điện thiếu nguồn, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Dự báo tiêu thụ điện vượt kỷ lục, sức ép tăng giá điện

Trong 3 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ toàn quốc trung bình 762 triệu kWh/ngày, tăng cao hơn so với dự báo. Đáng chú ý, 3 ngày đầu tháng 4, lượng điện tiêu thụ đã vọt tới hơn 900 triệu kWh/ngày. Dự báo cao điểm những tháng mùa hè 2024, lượng điện tiêu thụ toàn quốc sẽ đạt tới hơn 1 tỉ kWh/ngày (trong khi con số đạt đỉnh năm 2023 là khoảng 940 triệu kWh/ngày).

Đặc biệt, khu vực miền Bắc, lượng điện tiêu thụ đã tăng rất mạnh từ đầu năm. Lượng điện sử dụng đã tăng hơn 12 triệu kWh/ngày, đạt mức 343,6 triệu kWh/ngày từ đầu tháng 4 đến nay. Dự báo lượng điện cần sử dụng tại miền Bắc sẽ đạt 27.481MW giai đoạn tháng 4 - 7.2024, tăng 17% so với kỷ lục vận hành cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900 - 24.500MW; công suất tăng thêm do dịch chuyển giờ phát thủy điện nhỏ đạt khoảng 1.000 - 1.200MW; công suất tăng thêm do thực hiện điều chỉnh phụ tải và máy phát điện diesel của khách hàng sẽ đạt khoảng 400 - 2.300MW. Trong khi đó, giờ cao điểm tiêu thụ điện của miền Bắc có thể lên tới 25.2450 - 27.480MW. Như vậy, miền Bắc có thể thiếu hụt từ gần 1.600 - 2.900MW vào giờ cao điểm.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Quốc Trung cho biết chưa đến nắng nóng cực điểm nhưng A0 đã phải huy động tất cả các nguồn điện than để cung ứng điện cho tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Tất cả các nhà máy điện ở khu vực miền Bắc đều đã vận hành tối đa. Việc nhập khẩu điện cũng được thực hiện tối đa theo điều kiện lưới và tận dụng tối đa truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc.

Về nguồn điện, hiện Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào điện than và điện khí. Với năng lượng tái tạo, dù điện mặt trời, điện gió đã tăng lên rất nhiều nhưng sản lượng đóng góp thực tế rất thấp. EVN cũng đã phải nhập nguồn khí hóa lỏng LNG với giá thành cao để cấp điện cho khu vực miền Nam. Đây là giải pháp được áp dụng để giảm bớt gánh nặng cung ứng điện cho hệ thống nhưng đồng nghĩa tăng sức ép giá điện rất lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dồn lực cung cấp điện cho miền Bắc trong mùa khô 2024