Có vẻ như ứng cử viên số một cho chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp đã lộ diện và đó không ai khác ngoài vị tỷ phú Donald Trump.

Donald Trump đang là người hiểu rõ nhất về kinh tế Mỹ?

10/05/2016, 14:31

Có vẻ như ứng cử viên số một cho chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ kế tiếp đã lộ diện và đó không ai khác ngoài vị tỷ phú Donald Trump.

Vị tỷ phú có xu hướng dân túy này đang giành được một loạt những thành công lớn trong những ngày gần đây. Sau khi gần như đã chính thức trở thành ứng cử viên chính thức ra tranh cử chức tổng thống của đảng Cộng Hòa bằng cách vượt qua một loạt các đối thủ khác. Trump đang ngày càng chứng tỏ ông đang là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí chủ nhân Nhà Trắng vào cuối năm nay, khi mà những động thái gần nhất đang ngày càng chứng tỏ rằng: Trump là người hiểu rõ nhất về nền kinh tế Mỹ, hơn rất nhiều so với Bernie Sanders hay Hillary Clinton.

Có một thực tế mà những người không thích Donald Trump không muốn thừa nhận, đó là Trump thực sự là một người rất am hiểu các kiến thức kinh tế nói chung cũng như các vấn đề về nền kinh tế Mỹ nói riêng. Nếu bỏ qua những câu phát ngôn gây sốc về tôn giáo hay người nhập cư, Trump thực sự đã nêu ra được những quan điểm rất thuyết phục về nền kinh tế số một thế giới, và đó là nguyên nhân khiến cho số người ủng hộ vị tỷ phú này trong cuộc chạy đua tăng lên đáng kể.

Không có gì để nghi ngờ rằng, so với các đối thủ của mình thì Trump đang là người đưa ra được các chính sách kinh tế thuyết phục nhất. Việc gần như đã chắc chắn trở thành ứng cử viên đại diện duy nhất của đảng Cộng Hòa ra tranh cử chức tổng thống Mỹ cho thấy những quan điểm về kinh tế Mỹ của Trump thuyết phục, hơn hẳn so với các ứng cử viên khác của đảng Cộng Hòa như Ted Cruz hay Marco Rubio.

Thậm chí, khi so sánh với các quan điểm kinh tế chủ chốt của các ứng cử viên nặng ký nhất của đảng Dân Chủ như Bernie Sanders hay Hillary Clinton, các quan điểm về kinh tế tài chính của Trump cũng tỏ ra thuyết phục hơn. Cả hai ứng cử viên nặng ký nhất của đảng Dân Chủ đều có xu hướng thiên tả, thông qua việc đánh thuế nặng tầng lớp giàu có và chi mạnh tay cho các chương trình phúc lợi xã hội như chăm sóc y tế hay miễn phí học đại học. Bernie Sanders đại diện cho xu thế cực tả, theo đó đánh thuế nặng lên những người giàu trong xã hội Mỹ để có ngân sách chi cho một chương trình phúc lợi xã hội có trị giá khoảng 18.000 tỷ USD, trong đó 6.500 tỷ USD là đến từ đánh thuế trực tiếp lên người giàu trong xã hội, còn 11.500 tỷ USD còn lại cũng đến từ tăng thuế nhưng mang tính dài hạn hơn. Quan điểm của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton cũng tương tự, nhưng với con số thấp hơn một chút.

Có thể thấy, quan điểm của hai ứng cử viên đảng Dân Chủ đang có xu hướng đi theo chính sách của tổng thống Barack Obama, khi vị tổng thống da màu này đã khởi động các chương trình phúc lợi như chăm sóc sức khỏe khá quy mô trong hai nhiệm kỳ của mình và đó là một trong những lý do giúp ông Obama thắng cử nhiệm kỳ hai cũng như giành được khá nhiều thiện cảm của cử tri và người dân Mỹ. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại và thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái như hiện nay (kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,5% trong quý I/2016 và chỉ đạt 0,8% trong tháng 4), rõ ràng xu hướng tăng thuế để chi cho các chương trình phúc lợi xã hội của Sanders và Clinton tỏ ra không phù hợp. Trong bối cảnh đó, quan điểm sẽ giảm thuế lên tới khoảng 10.000 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ của Trump tỏ ra phù hợp hơn rất nhiều.

Quan điểm kinh tế chính thức của Trump trong suốt chiến dịch tranh cử thời gian qua là giảm thuế suất thu nhập cá nhân và mở rộng đối tượng nộp thuế. Nói cách khác, vị tỷ phú này muốn giảm thuế và tăng số lượng việc làm có thu nhập cao (đến mức đủ để đóng thuế) trong nền kinh tế Mỹ. Đây là một cam kết có sức thu hút lớn hơn so với các cam kết sẽ nâng mức phúc lợi xã hội của các ứng cử viên đảng Dân Chủ. Vì hiện nay vẫn đang có tới khoảng 6 triệu người Mỹ phải làm công việc bán thời gian và mong muốn có một công việc toàn thời gian có thu nhập cao. Vì thế Trump đang nhận được sự ủng hộ của cả ba đối tượng quan trọng trong xã hội Mỹ hiện nay: những người có thu nhập thấp (thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định) và những người có thu nhập trung bình. Theo kế hoạch giảm thuế mà Trump đề ra, số hộ gia đình Mỹ không phải nộp thuế liên bang sẽ từ mức 43% hiện nay tăng lên tới 50%. Đối tượng thứ ba ủng hộ các quan điểm của Trump là tầng lớp người giàu trong xã hội Mỹ, vì chính sách của vị tỷ phú này không hướng đến việc đánh thuế nặng lên họ như các ứng cử viên của đảng Dân Chủ.

Mọi thứ không dừng lại ở đó. Khi đã gần như chắc chắn giành được vị trí ứng cử viên chính thức cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử chức tổng thống, quan điểm kinh tế của Trump lại một lần nữa được thay đổi. Trong động thái mới nhất, vị tỷ phú này lần đầu tiên tuyên bố sẽ xem xét kế hoạch nâng thuế đánh vào những người giàu trong xã hội Mỹ. Trong bài phát biểu gần nhất trên kênh CNN, Trump tuyên bố: “Tôi có thể sẽ phải xem xét tăng thuế đối với những người giàu, vì tôi không thể chấp nhận chuyện tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu. Thực ra, kể cả khi tôi tăng thuế đối với những người giàu, thì những gì họ phải trả sẽ vẫn thấp hơn nhiều trong những trường hợp khác”.

Việc Trump quay ngoắt 180 độ và đòi tăng thuế lên tầng lớp người giàu trong xã hội Mỹ ở thời điểm hiện tại là một nước cờ khôn ngoan. Vì nó sẽ giúp vị tỷ phú này giành được thêm sự ủng hộ của tầng lớp người nghèo trong xã hội Mỹ, trong khi cũng không làm giảm đi nhiều sự ủng hộ của những người giàu. Vì một thực tế là kể cả khi Trump đề xuất tăng thuế đối với người giàu, mức đó vẫn sẽ thấp hơn rất nhiều so với những gì mà các ứng cử viên Dân Chủ như Sanders hay Clinton đề xuất. Sở dĩ trước đây Trump chưa đề xuất tăng thuế với người giàu vì muốn tranh thủ sự ủng hộ của họ, khi mà hầu hết các ứng cử viên khác trong đảng Cộng Hòa cũng đều không đề xuất đánh thuế lên người giàu. Nhưng giờ đây khi Trump đã là ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng Hòa thì ông hoàn toàn có thể đề xuất tăng thuế lên người giàu thêm một chút để có thêm sự ủng hộ từ phía tầng lớp người nghèo.

Sở dĩ Trump muốn tăng thêm sự ủng hộ của tầng lớp người nghèo trong xã hội Mỹ vì một thống kê gần nhất đã chỉ ra rằng, phần lớn số người bỏ phiếu cho các ứng cử viên đảng Dân Chủ như Hillary Clinton là vì họ không ưa Trump. Có khoảng 46% số người bỏ phiếu cho bà Hillary là vì không ưa Trump so với 40% số người ủng hộ vì đồng tình với quan điểm chính trị và 11% do ưa thích con người của vị cựu ngoại trưởng. Vì thế, nếu Trump thay đổi quan điểm và tăng thuế đối với người giàu (vốn là một cách thức quen thuộc để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ chủ yếu là người nghèo) thì con số 46% cử tri bỏ phiếu cho Hillary Clinton vì không ưa Trump kia có thể sẽ thay đổi, thậm chí quay trở lại bỏ phiếu cho Trump.

Nhàn Đàm (theo Reuters, CafeF)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Donald Trump đang là người hiểu rõ nhất về kinh tế Mỹ?