Theo chuyên gia, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.
Thị trường và chính sách

Động lực tăng trưởng phục hồi chưa đồng đều, vẫn thấp hơn trước dịch COVID-19

Sơn Lam 19/10/2024 15:14

Theo chuyên gia, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.

Kinh tế 9 tháng đầu năm phục hồi tốt

Kết thúc quý 3/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt trong sự lạc quan về tăng trưởng chung của kinh tế thế giới cuối năm 2024 và năm 2025.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2024 ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, 3 quý đầu năm, GDP tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của năm 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và năm 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2022.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đánh giá tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục; xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến...

ktvm-1.jpg
Bức tranh kinh tế quý 3/2024 nhiều điểm sáng

Một điểm nhấn tươi sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng là vốn đầu tư của khu vực tư nhân khá mạnh mẽ, tăng trưởng mạnh so với khu vực FDI và nhà nước…

Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu của BIDV, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7.2024 ở mức 4,75%, cao hơn mức 4,55% cuối năm 2023 và 2% cuối năm 2022, song nếu loại trừ nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng yếu kém thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,3%; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường BĐS đang dần phục hồi (dù còn chậm so với kỳ vọng)…

Tình hình doanh nghiệp có nhiều cải thiện. Đến hết 9 tháng đầu năm có 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 9,74% so với cùng kỳ năm 2023; niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng sản xuất kinh doanh, khối lượng sản xuất và đơn hàng trong quý 4/2024 đều cao hơn so với mức khảo sát cho quý 3/2024.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn của nền kinh tế; các chính sách hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế - phí, lệ phí tiếp tục được ban hành (với mức gần tương đương hồi dịch COVID-19). Tổng trị giá danh nghĩa của các gói, chính sách hỗ trợ tài khóa này lên đến gần 185.000 nghìn tỉ đồng, còn trị giá hỗ trợ (thực tế chi) của ngân sách nhà nước lên đến 95,7 nghìn tỉ đồng.

Động lực tăng trưởng phục hồi chưa đồng đều

Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng sự tàn phá của cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều hoạt động kinh tế; kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, khiến tăng trưởng năm 2024 giảm từ 0,18 - 0,2%.

ktvm-3.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Ông Thịnh cho biết một sự động viên lớn đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp là Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... Tuy vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực chất để khôi phục sản xuất, kinh doanh.

GS-TSKH Nguyễn Mại (VAFIE) đánh giá nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro giảm tăng trưởng.

Thứ nhất, xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam có thể suy yếu do triển vọng tăng trưởng toàn cầu không chắc chắn trước căng thẳng địa chính trị hoặc tranh chấp thương mại. Thứ hai, việc nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến lạm phát trong nước tăng.

Thứ ba, bất kỳ sự suy giảm nào trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm gia tăng áp lực đối với khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính trong thời gian tới.

ktvm-4.jpg
GS-TSKH Nguyễn Mại

Còn TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị gia tăng, khó đoán định; ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 (ước tính sơ bộ tính là 81,8 nghìn tỉ đồng, 94 nghìn khách hàng và khoảng 165 nghìn tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng; có thể khiến tăng trưởng GDP năm 2024 ước giảm khoảng 0,22 điểm % so với kịch bản không có bão này) cần thời gian để phục hồi.

Theo ông Lực, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.

Cụ thể: Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% chỉ bằng khoảng 60% mức tăng trung bình của cùng kỳ những năm trước dịch 2018-2019 (9%); tích lũy tài sản tăng 6,8%, cao hơn mức tăng 6% cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch (7,2% của cùng kỳ năm 2019), trong đó đầu tư công tăng thấp (đạt 55,7% kế hoạch năm, chỉ tăng 2% so cùng kỳ); đầu tư tư nhân tăng 7,1%, cao gấp 3,4 lần mức tăng 2,1% cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước dịch (tăng 17,3% cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2018-2019) và thấp hơn khu vực FDI (tăng 10,7%)…

Đáng chú ý, thể chế cho các động lực tăng trưởng mới, nhất là thể chế cho phát triển liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển.

“Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn vẫn tăng 14,7% so với cùng kỳ do các vướng mắc về pháp lý (đặc biệt là thị trường đất đai, BĐS); áp lực tài chính (đáo hạn nợ vay và nợ trái phiếu doanh nghiệp) và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao (chi phí logistics, tiền điện, lương nhân công tăng…)”, ông Lực nói.

ktvm-2.jpg
Thể chế cho các động lực tăng trưởng mới vẫn chậm ban hành

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024 và 2025, các chuyên gia đề nghị quyết liệt đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư - kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai các luật đã có hiệu lực.

Ngoài ra, cần sớm ban hành khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư - nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng); đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhất là tiến trình cổ phần hóa DNNN, cơ cấu lại các dự án, các tổ chức tín dụng yếu kém…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Động lực tăng trưởng phục hồi chưa đồng đều, vẫn thấp hơn trước dịch COVID-19