Hầu hết các ấp trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đều có công trình nhà ở cao tầng và nhà ở cấp 4 đã xây dựng hoàn thành, kiên cố nhưng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai phép, nhất là tại các ấp 7, 8 và ấp 3 của xã này.

Đồng Nai: Công trình xây dựng không phép như nấm mọc sau mưa

13/01/2020, 18:23

Hầu hết các ấp trên địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đều có công trình nhà ở cao tầng và nhà ở cấp 4 đã xây dựng hoàn thành, kiên cố nhưng không có giấy phép xây dựng hoặc xây dựng sai phép, nhất là tại các ấp 7, 8 và ấp 3 của xã này.

Công trình xây dựng không phép tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai - Ảnh từ báo Thanh Tra

Xây dựng không phép tràn lan

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây nhà trái phép tại xã An Phước diễn ra rất phức tạp từ nhiều năm nay. Các đầu nậu chủ yếu từ các tỉnh, thành phố khác, sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua lại đất bằng giấy viết tay. Sau đó phân lô, bán nền hoặc xây dựng công trình nhà ở kiên cố rồi bán lại cho người khác nhằm mục đích trục lợi bất hợp pháp.

Đi vào nhiều tuyến đường, con hẻm trong khu dân cư ở xã An Phước dễ dàng nhìn thấy nhiều tờ rơi, biển quảng cáo, băng rôn rao bán nhà, đất tràn lan, với mức giá thấp thì từ 500 - 600 triệu đồng/căn, trung bình khoảng 800 - 900 triệu đồng/căn, cao thì từ 1 - 3 tỉ đồng/căn.

Đáng chú ý trong số này, nhiều căn nhà được rao bán công khai, tràn lan nhưng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhà xây dựng sai phép, trái phép. Việc mua bán, chuyển nhượng chủ yếu bằng hình thức thỏa thuận hai bên ghi nhận giao dịch bằng giấy tự viết.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà ở, chúng tôi đã liên hệ vào số điện thoại được ghi trên biển quảng cáo, thì được một người đàn ông trả lời: “Nhà ở cấp 4 mới xây xong, rộng và tiện lợi. Đất chính chủ, nằm ở vị trí trung tâm ấp 8 của xã An Phước. Nếu đồng ý mua thì làm hợp đồng sang tên có ký xác nhận của 2 bên, rồi sau đó ra Phòng Công chứng hoàn tất thủ tục”.

Bên cạnh hàng chục căn nhà cao tầng, hàng trăm căn nhà cấp 4 trái phép đã được xây dựng kiên cố tại đây, thì các đầu nậu tiếp tục ra sức san nền, lấp đất, phân lô bán lại hoặc xây nhà kiên cố trên đất chưa có đầy đủ pháp lý để bán lại. Tình trạng này đã diễn ra công khai, rầm rộ từ trước tới nay.

Lực lượng “cò đất" cũng công khai đặt biển rao bán với mức giá hết sức hấp dẫn, có số điện thoại liên hệ rõ ràng mà không sợ cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Nhiều thửa đất nông nghiệp sau khi chuyển nhượng thành công, các chủ đất lập tức tiến hành san ủi tạo mặt bằng, xây nhà trái phép bán lại cho người mua để kiếm lời mà không cần phải đóng thuế.

Ai chịu trách nhiệm?

Tại một ngõ sâu thuộc ấp 8, xã An Phước, một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông, được biết do một người tên L. (quê Nam Định) mua lại của người khác với hình thức giấy viết tay. Dù khu đất này chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhà ở, nhưng ông L. đã “hợp tác” với nhiều người tự ý xây cất hàng chục căn nhà cao tầng bán lại cho người có nhu cầu mua nhà ở để kiếm lời.

Ngày 8.1.2020, có mặt tại công trình xây dựng này, chúng tôi chứng kiến có nhiều người đang thi công, xây dựng hối hả mà không gặp phải bất kỳ một sự kiểm tra, giám sát nào của cơ quan chức năng địa phương. Hàng chục căn nhà cao tầng đồ sộ đang trong giai đoạn hoàn thành để bán lại.

Tại xã An Phước còn nhiều trường hợp khác ngang nhiên mua đất bằng giấy viết tay, mua đất lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất không thuộc quy hoạch đất ở, rồi san ủi, lấp đất, tự ý xây nhà cao tầng hoặc nhà ở cấp 4 để bán lại kiếm lời mà không cần xin cấp phép một thủ tục xây dựng nào.

Cứ 1ha đất nông nghiệp, đất trồng xây lâu năm, đất vườn sẽ được chia thành khoảng 80 lô đất. Mọi giao dịch đều qua giấy tờ viết tay hoặc văn phòng luật sư làm chứng. Việc mua đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp, đất vườn… bằng “hợp đồng” tay rồi sau đó phân lô, nền, xây nhà ở trái phép đã mang lại lợi nhuận “siêu khủng” cho các đầu nậu, làm thất thoát tiền thuế của Nhà nước.

Nhiều người dân địa phương cho hay, việc mua bán đất, nhà ở, xây dựng trái phép trên địa bàn xã An Phước diễn ra công khai từ nhiều năm nay nhưng không bị chính quyền địa phương ngăn cấm, xử lý quyết liệt.

Ông Phạm Nguyễn Hồ Vũ - Phó Chủ tịch UBND xã An Phước thừa nhận tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên địa bàn xã này đã diễn ra từ nhiều năm nay và hiện vẫn phức tạp.

“Đây là vấn đề nan giải từ nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa thể khắc phục. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm tờ trình gửi UBND huyện và các cơ quan chức năng cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc…”, ông nói.

Nhóm PV báo Thanh Tra

Bài liên quan
Đồng Nai: Tiếp tục chuyển đổi quy hoạch phù hợp với mục tiêu Net Zero
Chiều 25.4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai có buổi làm việc về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, ban quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019 - 2023 đối với Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai (Tổng công ty cao su Đồng Nai).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Nai: Công trình xây dựng không phép như nấm mọc sau mưa