Vào tháng 8.2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án (DA) Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, cho đến nay DA vẫn chưa chốt được ngày khởi công.

Đồng Nai đề xuất phương án xây dựng cầu Cát Lái

Trịnh Thể | 13/01/2022, 15:29

Vào tháng 8.2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án (DA) Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, cho đến nay DA vẫn chưa chốt được ngày khởi công.

12abed09-9749-4778-92a0-788f5a7f1cba.jpeg
Phối cảnh DA cầu Cát Lái.


Dự án Xây dựng cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 10,6km, trong đó chiều dài cầu Cát Lái hơn 3,5km. So với quy hoạch đã được duyệt, cầu phải dịch về hạ lưu so với vị trí quy hoạch nên phải điều chỉnh quy hoạch TP.Thủ Đức, quy hoạch vị trí cầu Cát Lái. Phương án này có ưu điểm là chia sẻ được lưu lượng và giảm tải phương tiện lưu thông cho đường Nguyễn Thị Định; khoảng cách từ cuối tuyến tới trung tâm TP.HCM (Q.1) gần nhất khoảng 20km; không ảnh hưởng đến Tân cảng Cát Lái; không tạo thêm kết nối; đảm bảo tính chất cầu thay phà; diện tích giải phóng mặt bằng ít nhất (39,2ha khi không kết nối với đường ven sông và 42,9ha khi có kết nối với đường ven sông); tổng mức đầu tư thấp nhất là khoảng 9 ngàn tỷ đồng.

Cầu Cát Lái có điểm đầu tại P.Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 (nay là TP.Thủ Đức), TP.HCM và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1km, thuộc xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao làm chủ trì dự án, Đồng Nai đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng 3 phương án hướng tuyến để các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, lựa chọn phương án phù hợp. “Trong 3 phương án này, phía TP.HCM chấp thuận phương án nào thì Đồng Nai sẽ triển khai phương án đó” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.

Hơn 2 năm qua, các cơ quan chức năng của 2 địa phương cũng như đơn vị tư vấn đã liên tiếp có các cuộc làm việc nhằm đưa thêm các phương án hướng tuyến để triển khai xây dựng cầu Cát Lái.

Đến nay, trên cơ sở mục tiêu đầu tư xây dựng dự án, các quy hoạch liên quan, hướng giao thông kết nối đơn vị tư vấn là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (TEDI) đã đưa ra 5 phương án hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái để Đồng Nai và TP.HCM xem xét lựa chọn.

Cụ thể, theo phương án 1, cầu Cát Lái sẽ có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy nằm trên đường Nguyễn Thị Định. Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía H.Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi trùng với đường trục quy hoạch, cắt qua đường quy hoạch 25C và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7km.

Đối với phương án 2, điểm đầu DA có vị trí tại đường ven sông Sài Gòn. Tuyến đi dọc theo trục đường quy hoạch của khu dân cư quy hoạch Thạnh Mỹ Lợi B và cắt qua đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4. Sau đó, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang H.Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông, cắt qua đường quy hoạch 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối DA. Chiều dài tuyến theo phương án 2 là hơn 10,6km.

Đối với phương án 3, điểm đầu tuyến nằm trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng C của cảng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch, sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối DA. Chiều dài tuyến theo phương án 3 là 12,4km.

Đối với 2 phương án 4 và 5, điểm đầu tuyến trên địa bàn TP.HCM có sự thay đổi vị trí. Theo đó, đối với phương án 4, điểm đầu tuyến của DA nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 2,4km trên địa bàn H.Nhà Bè và Q.7, TP.HCM. Tuyến đi về phía Đông, vượt qua rạch Tắc Bà Phổ, cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng, đường Huỳnh Tấn Phát rồi vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông (H.Nhơn Trạch). Sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối DA. Theo phương án này, chiều dài tuyến là hơn 13,7km.

Riêng phương án 5, điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 4km trên địa bàn H.Nhà Bè và Q.7, TP.HCM. Tuyến đi về phía Đông, đi theo trục đường quy hoạch Kho B, vượt qua rạch Phước Long, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông (H.Nhơn Trạch). Sau đó rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch và kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối DA. Với phương án 5, chiều dài tuyến của dự án gần 13km.

Bài liên quan
Lối ra cho hàng ùn tắc tồn đọng tại cảng Cát Lái giai đoạn COVID-19
Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn giãn cách do dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng Nai đề xuất phương án xây dựng cầu Cát Lái