Nhiều ý kiến cho rằng, dòng người hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía nam về quê có thể sẽ gặp nguy hiểm khi mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 7. Do đó, các địa phương cần có phương án hỗ trợ bà con.
Ngày 10.10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai tổ chức họp về công tác phòng chống mưa bão.
Hỗ trợ kịp thời người dân trú tránh bão
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng nay, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; bão Kompasu đang hoạt động ở phía Đông đảo Luzon (Philippines) di chuyển theo hướng Tây, tiếp tục mạnh thêm, chuẩn bị vào Biển Đông.
"Mặc dù bão số 7 được đánh giá không mạnh nhưng các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt để ứng phó. Trong đó, các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho hơn 61.000 phương tiện, với gần 280.000 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa", ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết.
Ông Hoài đề nghị chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt. Dừng các công trình đang thi công để bảo đảm an toàn về người và phương tiện. Bảo đảm an toàn giao thông; thông tin cho người dân di chuyển từ phía nam ra bắc về tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo khoảng đêm ngày 11 đến sáng ngày 12.10, cơn bão Kompasu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines có khả năng đi vào phía bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 8.
"Đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh với cường độ mạnh hơn bão số 7 và di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 13 và ngày 14.10. Cơn bão này có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn ngày 13 đến ngày 15.10 ", ông Khiêm nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh đến dòng người hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía nam về quê có thể sẽ gặp nguy hiểm khi nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7.
Dự báo, thời tiết xấu còn kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới, đặc biệt là nguy cơ ngập lụt ở quốc lộ 1, do đó, Ban Chỉ đạo đã có văn bản gửi các địa phương, gồm TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, để thông báo cho người dân, bảo đảm an toàn cho bà con trong quá trình di chuyển về quê.
“Các địa phương dọc quốc lộ 1 tính toán với lượng mưa mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, điểm nào có thể xảy ra ngập lụt ở quốc lộ 1 thì tổ chức, bố trí người trực, lập trạm di động ngay ở đó để vừa tiếp đón, hỗ trợ bà con, vừa tổ chức trung chuyển”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin, đến nay, công an các tỉnh hiện đã huy động 3.000 chiến sĩ, 8.000 phương tiện dẫn đoàn, xe chở quân ứng trực trên 2.000 điểm xung yếu về giao thông để hỗ trợ người dân về quê. Khi bão vào. Ông Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu công an các địa phương trên các chốt cho dừng toàn bộ hoạt động di chuyển của người dân, đặc biệt là người dân từ phía nam ra”.
Lực lượng công an đã chủ động, sử dụng các phương tiện, kể cả xe chở quân để đưa bà con vào các nhà văn hóa trú tránh tạm thời. Ông đề nghị sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để bố trí nơi trú tránh cho bà con cũng như sau khi bão tan thì bảo đảm cho bà con di chuyển an toàn.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các điểm đầu, điểm cuối, giám đốc công an các tỉnh có đồng bào đang tạm trú tại điểm dừng tránh bão và điểm đến sau khi bão tan phải kết nối với nhau, để triển khai bảo đảm an toàn cho bà con”, ông Nguyên nêu.
Sẽ sớm có văn bản về lưu thông đường bộ, đường sắt
Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, địa phương cần tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7, không được chủ quan, bởi bão số 7 suy yếu nhưng vẫn tiếp tục gây mưa lớn cho nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương phải sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo, một khâu rất khó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Do đó, cần tiếp tục tăng cường đầu tư về nhân lực, trang thiết bị cho công tác này.
“Nếu dự báo chậm trễ do thiếu trang thiết bị, do chủ quan, không bám sát thì có thể gây ra hậu quả lớn. Thực tế ở địa phương, bà con rất tin tưởng vào dự báo của chúng ta”, ông Thành nói.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an hỗ trợ người dân trong quá trình di chuyển, Phó thủ tướng cho rằng, phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, các bộ, ngành để thông tin kịp thời cho người dân về diễn biến cơn bão.
“Để làm sao bà con đến vùng bão thì dừng lại, địa phương mời bà con về các nhà văn hóa, trường học và sau khi hết bão thì mới di chuyển”, Phó thủ tướng nêu.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng giao trách nhiệm cho các địa phương đưa ra giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn người về quê trong thời điểm mưa bão. “Nếu bão vào đúng tuyến đường người dân di chuyển thì việc không có chỗ trú bão rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng nói đồng thời cho biết sẽ sớm có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương về lưu thông đường bộ, đường sắt liên tỉnh.