Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, dù Bộ NN-PTNT có nhiều văn bản pháp lý chỉ đạo về canh tác nông nghiệp hữu cơ và tỉnh đã bắt tay thực hiện nhưng gặp nhiều khó khăn.
Nỗi băn khoăn của người nông dân
Trao đổi về vấn đề canh tác quýt hồng hữu cơ, ông Lương Văn Tín, người trồng 6 công (*) quýt hồng ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã người dân trồng quýt hồng chưa áp dụng mô hình canh tác hữu cơ theo quy định. Vì nếu theo quy định canh tác nông nghiệp hữu cơ của ngành nông nghiệp thì rất khó làm. Nhiều tiêu chuẩn quy định chưa sát thực tế. Bây giờ canh tác hữu cơ thì phân bón hữu cơ mua ở đâu? Thuốc trừ sâu sinh học có cung ứng đầy đủ cho nông dân khi có nhu cầu không? Canh tác hữu cơ phải tẩy rửa đất vài ba năm, nông dân liệu có đủ lực kinh tế để chịu nổi không? Cuối cùng là đầu ra, sản phẩm phải có doanh nghiệp bao tiêu, mua với giá thỏa thuận. Nông dân làm thì phải có lời, lỗ là họ không đồng tình…”.
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Canh tác nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều cái khó. Lai Vung chưa canh tác nông nghiệp hữu cơ theo đúng quy định, hầu hết diện tích quýt hồng đều trồng theo nông nghiệp truyền thống. Người nông dân còn thói quen sản xuất theo hướng tăng vụ, tăng sản lượng, chưa chú trọng đến sản xuất an toàn, bền vững”.
Từng bước hướng dẫn nông dân, áp dụng mô hình tại nhiều điểm trường
Đồng Tháp là tỉnh có kế hoạch tiến hành canh tác hữu cơ khá toàn diện. Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã chuẩn bị nhiều mặt trước khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch canh tác hữu cơ. Vì mô hình canh tác này tuy không mới với nông dân ĐBSCL nhưng việc áp dụng nó sẽ làm thay đổi rất nhiều trong tâm lý và cách làm của nông dân. Chính vì vậy, Đồng Tháp đã triển khai giáo dục tâm lý và thực hiện tại 20 trường học ở tại các huyện và TP.Cao Lãnh.
Sở NN-PTNT đã xây dựng 20/20 nhà che trồng rau hữu cơ tại các điểm trường từ nguồn kinh phí hỗ trợ 100% của Tổ chức Seed to Table. Ngành nông nghiệp đã cho vẽ bảng hiệu vườn rau, thiết kế và phát đồng phục cho nhóm học sinh tham gia. Các điểm trường cũng đã tiến hành trồng cây họ đậu để cải tạo đất, trồng hoa để thiết lập hệ sinh thái vườn rau; một số trường đã trồng và thu hoạch rau.
Sở NN-PTNT Đồng Tháp đã thành lập được 7 nhóm nông dân sản xuất rau với 13 hộ tham gia, diện tích 28.213m2. Bước đầu, đã có 3 nhóm sản xuất hữu ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ với Công ty TNHH Xã hội Công dân Chuyên nghiệp (ProCiFood) với giá bán trung bình khoảng 20.000 đồng/kg.
Để những người tham gia canh tác hữu cơ được "tân mục sở thị" phương thức canh tác này, Sở NN-PTNT Đồng Tháp còn tổ chức 3 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Bến Tre; tổ chức các cuộc họp khởi động dự án, sơ kết dự án, thành lập hệ thống PGS Đồng Tháp (**).
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, nông dân tham gia dự án nhiệt tình, mạnh dạn áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm (giai đoạn chuyển đổi, sản phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận, chưa có bao bì nhãn mác) với giá bao tiêu.
Tính đến tháng 3.2023, toàn tỉnh đã có 141ha canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, nhiều nhất là lúa, còn lại là rau màu và cây ăn trái.
Trước mắt, Đồng Tháp có kế hoạch hướng dẫn nông dân “canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ”, tức giảm dần lượng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học và dần thay thế bằng phân bón bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học.
Hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam
Từ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29.8.2018 về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23.6.2020 của Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.
Theo kế hoạch, Sở NN-PTNT Đồng Tháp tiếp tục duy trì hoạt động Ban điều phối PGS Đồng Tháp. Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân giai đoạn đầu chuyển đổi từ canh tác thông thường sang hữu cơ. Xây dựng quầy rau hữu cơ tại chợ Cao Lãnh hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá sản phẩm hữu cơ cho các nhóm nông dân tại TP.Cao Lãnh. Xây dựng trang thông tin điện tử về nông nghiệp hữu cơ để nông dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kết nối giữa người mua và bán các loại nông sản hữu cơ.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho rằng, tuy có khó khăn bước đầu nhưng sản phẩm hữu cơ đang là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc canh tác nông nghiệp hữu cơ được coi là một lựa chọn kinh doanh tiềm năng dành cho nông dân.
* 1 công = 1.000m2
** PGS là chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo quy trình, quy định sản xuất hữu cơ