Dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng các chuyên gia cho rằng sự ra đời của Nghị định 08 là bước đầu tạo khung pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 08: Khung pháp lý cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ

Sơn Lam | 09/03/2023, 06:00

Dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng các chuyên gia cho rằng sự ra đời của Nghị định 08 là bước đầu tạo khung pháp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Một trong những nội dung đáng chú ý là trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn, nếu nhà đầu tư đồng ý, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; ngưng quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư cá nhân; ngưng xếp hạng tín nhiệm…

Dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng các chuyên gia cho rằng sự ra đời của Nghị định 08 là bước đầu tiên tạo khung pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung.

trai-phieu.jpeg
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng sự ra đời của Nghị định 08 tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ và có thể trả nợ. Trước đó một số tổ chức phát hành đã tự thảo thuận với trái chủ nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể nên việc thỏa thuận gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ thành công thấp.

“Việc đàm phán có thành công hay không tùy thuộc vào các bên và tính pháp lý của tài sản, lộ trình và khả năng thanh toán. Nếu trái chủ không đồng thuận thì tổ chức phát hành phải có kế hoạch để đảm bảo xử lý các nghĩa vụ tài chính”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho rằng nghị định mới đã có nhiều quy định “dễ thở” hơn cho thị trường trái phiếu so với Nghị định 65 khi một số quy định về xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư chuyên nghiệp đã dừng lại.

“Nghị định 65 với rất nhiều quy định chặt chẽ đã siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp cả ở phía cung lẫn phía cầu. Ở phía cung, doanh nghiệp khó phát hành bởi doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm. Việc xếp hạng tín nhiệm không giống việc kiểm toán doanh nghiệp. Nếu việc kiểm toán chỉ xem xét ở môt thời điểm thì xếp hạng tín nhiệm cần xem xét doanh nghiệp ở một quá trình dài hoạt động. Chưa kể, ở Việt Nam hiện nay chỉ có 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, số lượng khá ít”, ông Thịnh nói.

Còn ở đầu ra, ông Thịnh cho rằng doanh nghiệp phát hành phải bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. “Trước kia 1 trái phiếu chỉ 100.000 đồng nhưng hiện nay mệnh giá lên là 100 triệu đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải nắm tài sản trên thị trường chứng khoán trên 2 tỉ đồng và trong thời gian 180 ngày. Chứng chỉ của nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng. Như vậy, để đáp ứng điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp không dễ”.

thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Do đó, ông Thịnh cho rằng Nghị định 08 cũng có thể giúp tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến ngày 1.1.2024 sẽ giúp tăng khả năng tiếp cập huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với một số doanh nghiệp doanh nghiệp.

Đánh giá về Nghị định 08, Chứng khoán VCBS cho rằng điểm đáng chú ý nhất trong nghị định vẫn là quy định đàm phán kéo dài thời hạn trái phiếu. Việc có khung pháp lý chính thức giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian và không gian xử lý lượng trái phiếu đến hạn là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Các bước tiếp theo nhằm xử lý lượng trái phiếu chậm thanh toán gốc lãi sẽ bao gồm quá trình đàm phán các điều khoản, tài sản khác giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành. Quá trình được dự báo tương đối phức tạp phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt”, VCBS nêu.

Mặc dù vậy, VCBS cũng cho rằng nghị định này vẫn là khung pháp lý quan trọng được thị trường chờ đợi từ lâu trong bối cảnh khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bị hạn chế đáng kể khi mặt bằng lãi suất đã tăng mạnh trong năm vừa qua.

“Nhìn rộng hơn, các khó khăn trung hạn vẫn tồn tại, bao gồm cả khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế. Đồng thời chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, VCBS nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng Nghị định 08 chỉ quy định “tạm ngưng hiệu lực thi hành” đến hết ngày 31.12.2023. Do vậy các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền.

chau.jpeg
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Đặc biệt, theo ông Châu, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, để tồn tại trước đã rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

Đồng thời, ông Châu cũng nhấn mạnh rằng tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn trong 2 năm 2023-2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỉ đồng, nên Nghị định 08 sẽ tác động rất tích cực và hiệu quả đến việc xử lý 119.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn trong năm 2023. Nhưng việc xử lý trái phiếu đến hạn phải được sự đồng thuận của các trái chủ với doanh nghiệp thông qua đàm phán, thỏa thuận nên mất rất nhiều thời gian, mà hiện nay chỉ còn gần 9 tháng để thực hiện Nghị định số 08.

Do vậy, ông Châu đề nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nghị định này vào khoảng đầu quý 4/2023 để tiếp tục xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị định 08: Khung pháp lý cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ