HĐND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất quyết định giao UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, đoạn qua địa phương này. Tuyến cao tốc nối tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Tiền Giang có tổng vốn dự kiến là 6.029 tỉ đồng, từ ngân sách nhà nước.
Ngày 25.3, HĐDN tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức kỳ họp đột xuất lần thứ nhất quyết định thống nhất giao UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.
Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 18,20km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23km.
Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km), thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Bộ GTVT dự kiến chia dự án thành 2 thành phần, thành phần 1, từ Km0 đến khoảng Km18+200 (từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với chiều dài khoảng 18,2km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.307 tỉ đồng.
Thành phần 2, khoảng Km18+200 đến khoảng Km27+430 (từ xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) với chiều dài khoảng 9,23 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.722 tỉ đồng.
Về quy mô, giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn thiện có quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m.
Tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh khi hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía đông (cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).