Do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án bất động sản bị đình trệ…
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 3.6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 cơ bản giữ được ổn định.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh tăng giá điện tăng 3% từ ngày 4.5.2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỉ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỉ USD). FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỉ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỉ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng tăng 12,6% - là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh… đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư... trong nước.
"Đây là vấn đề chung của các quốc gia, các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong"một sớm, một chiều", trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao", ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch COVID-19 đã đến mức giới hạn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Ngoài ra, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…
"Đây là thách thức lớn, cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ để củng cố, thúc đẩy các xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, các chỉ số về quản trị mua hàng hay chỉ số về tăng trưởng công nghiệp quý 1 và 4 tháng đầu năm cho thấy khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong quý 2, thậm chí sang đến quý 3/2023 vẫn còn rất lớn. Trong ngắn hạn, các chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Ông Việt cho rằng cần tìm cách để giảm bớt các loại chi phí, trong đó, rất quan trọng là hạ được lãi suất vay vốn của doanh nghiệp xuống. Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành đã tạo tác động tốt giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động. Tuy nhiên, để lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp hạ thì cần thêm thời gian và có độ trễ nhất định.
Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Quốc Việt đề nghị Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế/phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
“Các chính sách cần được phối hợp một cách nhịp nhàng và có sự điều phối tổng hợp, cũng như tham vấn của các bên liên quan, qua đó, từ khâu hoạch địch, thực thi đều thông suốt và không giật cục, dựa tối đa vào các giải pháp thị trường thay vì mệnh lệnh hành chính”, ông Việt nói và nhấn mạnh rằng cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu.