PGS-TS Trần Kim Chung xem xét trên 10 bình diện luồng tiền vào thị trường bất động sản và nhận thấy những tín hiệu tích cực là chủ đạo.
3 cơn gió nghịch
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau thời điểm tăng nóng ở một số khu vực vào thời điểm nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu chững lại và sụt giảm mạnh giao dịch.
“Thị trường bất động sản đang khó khăn nên một số doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước đã và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra 3 "cơn gió nghịch" của nền kinh tế bao gồm: Lạm phát tăng và còn tăng dài; Điều kiện tài chính xấu đi, các dòng vốn chưa rõ ràng; Suy giảm tăng trưởng.
Ông Thiên phân tích, tăng trưởng năm 2023 xu hướng chung vẫn tiếp tục ảm đạm. Lạm phát vẫn tăng mạnh do giá lương thực và năng lượng tăng; Trung Quốc, Nga, nền kinh tế khu vực Euro tăng trưởng suy giảm và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu cũng đang có xu hướng giảm...
Ông Thiên cho rằng, những ngành nghề tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động cần phải ưu tiên trong khu vực nội địa như du lịch, bất động sản.
“Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong thế nghịch lý thành công. Đây cũng là đặc trưng điển hình trong năm 2022 khi tình hình chung tốt nhưng bộ phận trong nước gặp khó khăn. Lạm phát thấp nhưng tăng trưởng cao dù thị trường chứng khoán lao dốc”, ông Thiên nói.
Theo ông Trần Đình Thiên, "mạch chung" của nền kinh tế vẫn rất tốt. Chính vì vậy ông Thiên cho rằng, thời gian tới, phải "bơm máu" cho nền kinh tế và phải có thái độ khác với lạm phát để giúp doanh nghiệp và giữ cho hệ thống ngân hàng ổn định.
Thị trường bất động sản 2023 diễn biến thế nào?
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản tháng cuối năm và nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ghi nhận xu hướng tăng giá bán với loại hình bất động sản nhà ở.
Theo đó, tại Hà Nội, điểm sáng là khu vực phía đông khi quy hoạch hạ tầng ngày càng phát triển, các dự án nhà ở được đầu tư đồng bộ, nhiều tiện ích, all in one… đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở góc độ ngắn hạn, phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
PGS-TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng thị trường đất đai đã có dấu hiệu tốt lên và được kỳ vọng có thể đưa luồng tiền lớn vào thị trường với những yếu tố quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Thị trường nhà ở từ tình trạng mất cân đối cung cầu trong năm 2022 sẽ có thay đổi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hoá phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.
Đối với thị trường bất động sản công nghiệp, ông Chung cho rằng chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%...
Ngoài ra, ông Chung cũng cho hay thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu tăng trở lại sau khi du lịch Việt Nam mở cửa và khởi sắc.
Luồng tiền vào bất động sản: Tín hiệu tích cực
Đối với bất động sản tài chính, PGS-TS Trần Kim Chung xem xét trên 10 bình diện luồng tiền và nhận thấy những tín hiệu tích cực là chủ đạo.
Luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Luồng tiền thứ hai là chứng khoán đã có xu hướng tăng. Đặt khả năng nếu chứng khoán tăng đến mức 1.300 - 1.400 điểm sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và bất động sản.
Luồng tiền thứ ba trái phiếu dần phục hồi, năm 2023 có khoảng hơn 6 nghìn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn nhưng với các phản ứng chính sách đã được đưa ra, vấn đề này được kiểm soát.
Luồng tiền thứ tư là nguồn vốn đầu tư nước ngoài có nhiều triển vọng gia tăng. Hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi. Lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Luồng tiền thứ năm là kiều hối vẫn đang rất ổn định. Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Luồng tiền thứ sáu là các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế khi có cơ hội sẽ đầu tư ngay với tâm lý không có ngoại lệ là có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, nhà ở.
Các luồng tiền còn lại ở mức ổn định như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; những nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế…
Trước những triển vọng tích cực, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, PGS-TS Trần Kim Chung kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản; hoàn thiện các chỉ báo thị trường bất động sản như chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà…; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp.
Đặc biệt, ông Trần Kim Chung nhấn mạnh: cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện.