Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 là 3.843 tỉ đồng, sau 5 năm dự án đã đội vốn lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng so với mức ban đầu. Tuy nhiên, dự án vẫn "đắp chiếu" từ 2013 đến nay.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) với nhiều khuyết điểm, sai phạm.
Sai phạm từ khâu "đội vốn" lên 8.000 tỉ đồng
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 3.843 tỉ đồng. Dự án có 2 gói thầu chính là mỏ sắt Tiến Bộ với tổng giá trị hơn 442 tỉ đồng và gói thầu tổng EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá với tổng giá trị hơn 2.300 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án còn phải thực hiện 22 gói thầu khác. Tháng 7.2007, hợp đồng số 1 được ký kết giữa bên giao thầu là Tisco với bên nhận thầu EPC là Công ty Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).
Năm 2012, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) có văn bản đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) lên 8.104 tỉ đồng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Về việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho ý kiến. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến dự án này không được điều chỉnh TMĐT; Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, thẩm định lại sự cần thiết, lý do điều chỉnh...
Tuy vậy, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 3136 vào tháng 4.2013, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng gửi Bộ Công Thương và VNS với nội dung: "Hội đồng quản trị VNS quyết định và chịu trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh TMĐT theo quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả…", dẫn đến Tisco cho rằng TMĐT điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Theo Thanh tra Chính phủ, việc Tisco điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỉ đồng là không có căn cứ, không đúng quy định.
Với sự việc trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng mặc dù ý kiến của các bộ, ngành cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT nhưng Tisco vẫn ký quyết định điều chỉnh là cố ý vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư.
"Do đó, những khuyết điểm, sai phạm trong việc điều chỉnh TMĐT còn có trách nhiệm của lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, VNS", Thanh tra Chính phủ kết luận.
Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị Tisco đã thanh toán cho dự án là hơn 4.421 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là hơn 3.896 tỉ đồng. Dù số tiền thanh toán đã lên tới hàng nghìn tỉ đồng nhưng các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Đến năm 2013 thì nhà thầu dừng thi công.
Đáng chú ý, Tisco đã thanh toán cho Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) tiền thuế, chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam. Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.
Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam, kết luận thanh tra chỉ ra, VNS là đại diện chủ sở hữu vốn tại Tisco nhưng VNS không làm đầy đủ trách nhiệm, đã có vi phạm, khuyết điểm như: chấp thuận nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó công suất thiết kế chưa đúng với quy định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (sau đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung).
Không thẩm định năng lực nhà thầu tư vấn lập Báo cáo, thẩm định phê duyệt dự án khi chưa có thiết kế cơ sở; báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng tái định cư, chưa được tổ chức cho vay vốn thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ, chưa xác định được nguồn vốn tự có, nguồn nguyên liệu để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Bên cạnh đó, thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu cơ sở, tổng hợp chi phí tách riêng phần lắp đặt và đưa một số chi phí vào tổng mức đầu tư không đúng quy định; thiếu kiểm tra, giám sát Tisco trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án…
Kiến nghị xử lý sai phạm, chuyển cơ quan điều tra
Do đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý về kinh tế với số tiền sai phạm rất lớn, gồm thu hồi khoản tiền thanh toán cho MMC số tiền hơn 13 triệu USD; xử lý số tiền thanh toán sai cho các nhà thầu phụ hơn 876 tỉ đồng, gần 10 tỉ đồng chi cho việc tiếp khách, đi công tác nước ngoài…
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân thuộc văn phòng Chính phủ có khuyếtđiểm, sai phạm.
Giao Bộ Công Thương theo thẩm quyền chỉ đạo, kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) có khuyết điểm, sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cho biết cơ quan này chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại kết luận.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự. Hiện Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Tuyết Nhung