Người Việt nói chung thường hiểu “university” có nghĩa là đại học, còn “college” có nghĩa là cao đẳng. Điều này không sai tại phần lớn các nước trên thế giới. Thế nhưng ở Mỹ lại hoàn toàn khác. Nhiều lúc “college” ở Mỹ được hiểu là cao đẳng, nhiều lúc lại được hiểu là đại học. Sự khó hiểu này làm cho nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam đau đầu trong việc chọn trường để du học.

Du học Mỹ: Nên học cao đẳng hay đại học?

07/05/2014, 08:44

Người Việt nói chung thường hiểu “university” có nghĩa là đại học, còn “college” có nghĩa là cao đẳng. Điều này không sai tại phần lớn các nước trên thế giới. Thế nhưng ở Mỹ lại hoàn toàn khác. Nhiều lúc “college” ở Mỹ được hiểu là cao đẳng, nhiều lúc lại được hiểu là đại học. Sự khó hiểu này làm cho nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam đau đầu trong việc chọn trường để du học.

Sự rối rắm này bắt nguồn từ chỗ người Mỹ hầu như không phân biệt hai từ “university” và “college”. Cao đẳng hay đại học là do tấm bằng mà các trường này cấp, chứ không phải từ tên gọi của trường. Một số đại học lớn như MIT (Massachusett Institute of Technology) thậm chí còn không dùng từ university và cũng chẳng dùng từ college.

Học sinh học 2 năm đầu tiên trong các cơ sở này sẽ được cấp bằng Associate. Có nhiều loại bằng Associate tùy theo mục đích học của học viên. Những ai học với mục đích học hết cả 4 năm đại học thì thường lấy bằng Associate of Arts (AA), tương đương với chứng chỉ chứng nhận đã hoàn thành 2 đầu của hệ đại học (giai đoạn đại cương) ở Việt Nam.
Với những người chỉ muốn học để đi làm ngay thì lựa chọn học lấy bằng Associate of Applied Science (AAS) – đây là chương trình tập trung chủ yếu vào đào tạo chuyên môn, hơi giống như hệ cao đẳng thực hành hay cao đẳng nghề ở Việt Nam. Những người vừa muốn học tiếp lấy bằng đại học vừa muốn một số môn chuyên môn thì học lấy bằng Associate of Science (AS).
Sau hai năm tạm gọi là đại cương này, sinh viên hoàn thành các môn còn lại của chương trình đại học (thường mất thêm 2 năm) sẽ lấy bằng cử nhân khoa học (Bachelor of Science) hoặc cử nhân nghệ thuật (Bachelor of Arts) tùy theo lĩnh vực mà họ lựa chọn.

Khi college được hiểu là “cao đẳng”

Ở Mỹ, có lẽ chỉ có hai hệ thống trường mang tên college được hiểu gần với khái niệm “cao đẳng” của Việt Nam là các trường community college (hay được dịch là cao đẳng cộng đồng) và các trường technical college (tạm dịch là cao đẳng kỹ nghệ). Lý do là hệ thống các trường này do các chính quyền tiểu bang thành lập và họ chỉ giảng dạy và cấp các bằng Associates như đã giải thích ở trên.
Một số trường ban đầu xuất thân từ các community college nhưng sau đó được các chính quyền tiểu bang cho phép giảng dạy cả hệ đại học. Hiện nay có tới 22 tiểu bang ở Mỹ đã luật hóa việc cho phép community college dạy và cấp bằng đại học.
Thí dụ đại học Broward College[i] (bang Florida) ban đầu mới thành lập có tên là Broward Community College, sau khi được phép giảng dạy đại học thì họ bỏ chữ “community” và chỉ giữ lại tên Broward College. Một số trường khác thậm chí không bỏ chữ community khi họ đã được chẩn thuận để dạy đại học, thí dụ Green River Community College tại bang Washington[ii].

Cũng như vậy, một số trường technical college, thí dụ như Seattle Central College[iii] ban đầu chỉ được dạy và cấp bằng Associate thì nay đã có thể dạy và cấp bằng Bachelor, mặc dù tên không đổi.

Như thế, ngay cả với hai nhóm community college và technical college thì giờ đây nếu chỉ nhìn vào cái tên cũng không thể biết được họ là trường đại học hay trường cao đẳng. Để biết họ thuộc nhóm nào, phụ huynh và học sinh phải xem các trường này dạy và cấp các loại bằng cấp gì.

College có nghĩa là đại học, thậm chí đại học tổng hợp

Ngoài hai nhóm trường trên, tại Mỹ, college đều được hiểu là đại học. Và tên gọi university hay college không hàm ý gì đến chuyện so sánh về chất lượng đào tạo mà chỉ để phân biệt quy mô và xu hướng đào tạo của các trường. Một university thường sẽ đào tạo nhiều lĩnh vực và mỗi lĩnh vực được gọi là một college.
Thí dụ college of business (với các ngành kế toán, tài chính, quản trị…) hay college of engineering (với các ngành cơ khí, tin học…). Trong trường hợp này, ý nghĩa học thuật của university và college không có sự khác biệt gì. Để dễ hiểu, có thể thấy nó tương tự một trường đại học quốc gia ở Việt Nam với nhiều trường đại học thành viên.
Du hoc My: Nen hoc cao dang hay dai hoc?
Du học sinh Việt Nam tại Mỹ
Ngoài chuyện một college tồn tại với tư cách là một đại học thành viên trong một university (đại học tổng hợp), thì có nhiều college tồn tại với tư cách là một đại học độc lập. Khi đó điểm khác biệt cơ bản của university và college là ở quy mô và tính học thuật.
Về mặt quy mô, college chỉ đào tạo và cấp bằng về một lĩnh vực cụ thể, còn university là một tổng thể bao gồm nhiều phân khoa với nhiều lĩnh vực đào tạo. Hơn nữa chỉ có ở university mới đào tạo lên đến bậc thạc sỹ và tiến sỹ. University cũng thường chú trọng hơn về mặt nghiên cứu trong khi đó college chú trọng hơn về mặt đào tạo chất lượng sinh viên.
Thế nhưng sự khác biệt này cũng không mang tính quy luật. Thực tế là có rất nhiều đại học tổng hợp cực kỳ lớn và nổi tiếng của Mỹ vẫn dùng từ college do các trường này thường đã thành lập từ rất lâu đời và có danh tiếng nên việc thay đổi tên gọi là không cần thiết. Đơn cử như trường hợp Dartmouth College hay Boston College đều là các đại học tổng hợp danh tiếng hàng đầu tại Mỹ, đào tạo đa ngành, và có số lượng sinh viên thuộc hàng “khủng”.
Tên gọi không quan trọng
Tên gọi university hay college thường không mang bất cứ ý nghĩa nào liên quan đến bằng cấp hay chất lượng đào tạo. Trên thực tế, trong các bảng xếp hạng uy tín nhất của Mỹ luôn có các trường đại học mang tên college ngồi trong top đầu.
Tiến sỹ Susan D’Aloia, Trưởng khoa Tiếng Anh tại Broward College cơ sở tại Việt Nam cho biết “Tại Mỹ, sinh viên chọn trường thường không dựa vào tên gọi mà chủ yếu dựa vào các yếu tố như thứ hạng, kiểm định, địa điểm, học phí, cơ hội nghề nghiệp liên quan… Họ không quan tâm đến chuyện tên trường là college hay university”.

“Điều phụ huynh và học sinh từ Việt Nam cần quan tâm, ngoài câu chuyện thứ hạng hay uy tín của trường trong ngành học mà mình muốn học, còn là câu chuyện học phí. Đây là vấn đề rất lớn với phần lớn các gia đình không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Mỹ. Một lựa chọn thông minh là tìm cho mình con đường để tốt nghiệp với chất lượng cao nhất, và với chi phí rẻ nhất có thể. Vì hệ thống giáo dục đại học của Mỹ được thiết kế đặc biệt linh hoạt, bạn không cần phải bắt đầu ở Harvard để có tấm bằng đại học ở Harvard. Bạn có thể bắt đầu từ một đại học công lập chất lượng cao và học phí thấp (do được tài trợ của chính phủ)”, bà Susan chia sẻ thêm.

Theo số liệu do Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), một tổ chức giáo dục do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, có khoảng 60% sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ lựa chọn hình thức học hai năm đầu tại các trường cao đẳng cộng đồng hoặc các trường đại học có hệ cao đẳng cộng đồng tại Mỹ. Một số sinh viên thậm chí còn lựa chọn hình thức học tại các phân hiệu quốc tế của các trường này ở nước ngoài với chi phí còn thấp hơn nữa.

Con không được vào Harvard!(*)
Email gửi cho ba mẹ cách đây 9 năm, giải thích cho ba mẹ hiểu là con không vào được Harvard, nhưng con sắp vào cũng một trường đại học cũng rất hay.
Con không được vào Harvard; ...
Nhưng con được vào 1 trường cũng tốt mà lại cho nhiều tiền nhất: Williams
Số tiền học bổng: 42000 đô la Mỹ/ năm
Số tiền nhà phải trả: 400 đô la Mỹ/ năm

Tiếp theo giải thích cho ba mẹ hiểu sự khác nhau giữa college và university.
College môi trường nhỏ hơn, nên được sự quan tâm nhiều hơn, được phát triển toàn diện mà không nghiêng hoàn toàn về một ngành chính. Môi trường này lại không căng thẳng như môi trường university. Cơ sở vật chất về mặt kỹ thuật, thể thao, nghệ thuật cũng không kém gì university.
Trường Williams hiện giờ có 3 người Vietnam... Thành phố New York ở cách trường Williams 2 tiếng đồng hồ xe buýt. Trường Williams nằm ở một vùng ngoại ô, nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi, phong cảnh đẹp và có 4 mùa. (Những trường đại học Mỹ thường nằm rất xa thành thị).
Ấn tượng nhất câu cuối cùng viết cho ba mẹ:
Ba mẹ cứ biết là được rồi, không cần phải giải thích với người khác làm gì cho mệt. Kệ họ muốn nghĩ gì thì nghĩ.
Cũng không nên khoe khoang với người khác, con ghét nhất là chuyện đó.

*****
Tất cả đều là quá khứ. Mình viết phải để khoe khoang, mà để giúp mọi người có thể hình dung về university và college. Đừng nghe những lời đồn về những học bổng hàng trăm nghìn đô la. Tiền tiêu vặt có 2.000-3.000 đô la một năm phải đi rửa bát, làm thư viện, dạy học ở trong campus mới có được, chứ không ai cho mình mấy tỷ đồng để ngồi không ăn chơi.
(*): Bức thư được viết bởi một cựu du học sinh học Williams College, cách đây đã 9 năm khi thời điểm anh mới bắt đầu du học Mỹ. Sau 9 năm, cho tới thời điểm này nhiều bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên vẫn chưa thực sự hiểu biết rõ về university và college.
Hoài Chung

Quyền Ngô (Thạc sĩ Tài chính, University of Technology, Sydney)



[i] http://www.broward.edu/Pages/home.aspx

[ii] http://www.greenriver.edu/academics.htm

[iii] http://www.sbctc.ctc.edu/college/e_appliedbaccalaureates.aspx

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du học Mỹ: Nên học cao đẳng hay đại học?