Những di tích ở Huế đang bị bỏ hoang và rơi vào tình trạng hoang phế. Nếu không được kịp thời trùng tu, sửa chữa, chắc chắn trong khoảng thời gian không bao lâu nữa, những di tích như trên sẽ trở thành phế tích trước sự tàn phá của con người và thiên nhiên.

Du lịch tâm linh Huế: Tiềm năng chưa được quan tâm

10/07/2017, 11:45

Những di tích ở Huế đang bị bỏ hoang và rơi vào tình trạng hoang phế. Nếu không được kịp thời trùng tu, sửa chữa, chắc chắn trong khoảng thời gian không bao lâu nữa, những di tích như trên sẽ trở thành phế tích trước sự tàn phá của con người và thiên nhiên.

Bài 1: Những di tích bị bỏ hoang phế ở Huế: vì đâu nên nỗi?

Trong bài Những di tích bị bỏ hoang phế ở Huế: vì đâu nên nỗi? đã nói đến 900 di tích ở Huế, trong đó có 87 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, tháng 12.1993 Quần thể di tích của Cố đô được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và đến tháng11.2003, văn hóa Huế một lần nữa được đăng quang khi Âm nhạc cung đình Huế: Nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các kiệt tác di sản phi vật thể của nhân loại. Điều đó chứng tỏ Huế đang sở hữu những di tích và di sản mang nhiều giá trị ở tầm thế giới.

Huế còn sở hữu hệ thống chùa chiền dày đặc, văn hóa Phật giáo tại Huế còn được biết đến bởi các nghi lễ Phật giáo được bảo lưu khá nguyên vẹn, với không ít lễ hội Phật giáo và các lễ hội mang màu sắc tâm linh riêng có tại Huế. Có thể nói, Huế là một trong những trung tâm văn hóa du lịch lớn của cả nước.

Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Vào dịp tháng Tư âm lịch, Huế lại rộn ràng và tưng bừng hơn trong sắc màu của mùa Phật Đản. Các hoạt động kỷ niệm ngày Đản sanh diễn ra trong suốt 1 tuần. Kế đến là lễ hội Quan thế âm Bồ tát, thường được tổ chức trong 2 ngày 18 – 19.6 âm lịch tại núi Tứ Tượng, lễ Vu Lan – rằm tháng 7. . . Các lễ hội này thu hút hàng vạn tín đồ Phật giáo, khách thập phương đến Huế hành hương, chiêm bái.

Huế cũng hình thành các trung tâm văn hóa tâm linh như Trung tâm văn hóa Huyền Trân - nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân, Trung tâm văn hóa Phật đài Quan thế âm Bồ Tát, Thiền viện Trúc Lâm ở hồ Truồi, hay trong thời gian tới là Bạch Vân Tự sẽ được xây dựng tại vườn quốc gia Bạch Mã.

Chùa Linh Mụ

Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Huế đã có trên 150 chùa lớn nhỏ, trong đó có rất nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng như Linh Mụ, Diệu Đế, Từ Đàm.. Ngoài ra, những quần thể lăng mộ của các phi tần dù chưa được xếp hạng di tích nhưng nếu có hướng bảo tồn, phát triển đúng hướng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Vài nét về du lịch tâm linh

Là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.

Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đa dạng, phong phú của các thắng tích tôn giáo, lễ hội …và các quần thể di tích, di sản của vương triều Nguyễn để lại là những điểm mạnh để Huế có thể phát huy được vai trò và thế mạnh của mình. Du lịch tâm linh góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa… và đời sống cho người dân ở đất cố đô.

Những di tích đang bị bỏ hoang- thực trạng buồn của đất cố đô

Đây là thực trạng đáng buồn cho đất cố đô vì những di tích này thật sự có giá trị và mỗi di tích đều có những câu chuyện văn hóa khác nhau, gắn liền với cuộc sống người dân qua từng giai đoạn lịch sử. Một số di tích nổi tiếng đang bị tình trạng bỏ hoang, tàn phế:

Biệt phủ Ngô Đình Cẩn trở nên hoang phế sau nhiều năm được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia

Thời gian qua, ngoài những điểm di tích như Đại Nội và lăng tẩm các vị vua chúa triều Nguyễn thì nhà lao Chín Hầm và biệt phủ Ngô Đình Cẩn được nhiều du khách chọn tham quan khi đến Huế. Thế nhưng, không ít du khách đã bày tỏ lo lắng trước sự xuống cấp, hư hỏng, hoang tàn của di tích biệt phủ Ngô Đình Cẩn.

Đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng hư hỏng nặng

Đình và miếu khai canh làng Thế Lại Thượng trên đường Bạch Đằng (phường Phú Hiệp) có gần 200 năm tuổi. Nơi đây nổi tiếng với lối kiến trúc và không gian độc đáo. Năm 1999, cụm di tích này được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Di tích Thế Lại Thượng nổi tiếng với kiến trúc cổ ba gian hai chái, lợp ngói âm dương tuyệt đẹp đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đình làng trở nên nhếch nhác, rệu rã. Bên trong tường nứt, nền đúc bị vỡ loang lỗ. Các kết cấu gỗ bị mục khiến kèo, xà, cột đều gãy, cửa hỏng không mở được. Những cột đình bị mối mọt ăn thủng… Vì thế, đình làng bị bỏ hoang như phế tích. Chính quyền địa phương đã gửi văn bản lên cơ quan chức năng xin chi phí để trùng tu một số hạng mục, nhưng chờ hoài vẫn không thấy hồi âm.

Còn đình làng An Cựu là di tích lịch sử cấp tỉnh, được công nhận vào năm 2008. Đình làng nay tọa lạc tại phường An Cựu, thành phố Huế. Hiện nay, những người dân sống tại đây không khỏi xót xa trước tốc độ xuống cấp của ngôi đình cổ này.

Nhiều người sẽ cho rằng đây là ngôi đình bỏ hoang bởi cảnh hoang tàn của nó. Bởi nhìn vào, một cảnh tượng đổ nát bày la liệt trước mắt.

Đình làng An Cựu với Mái ngói bể, dột nát

Một di tích nữa mà dư luận và người dân rất quan tâm trong thời gian vừa qua là lăng bà Học phi của vua Tự Đức(mẹ nuôi của vua Kiến Phúc) cũng bị chung số phận. Trên tấm bia có dòng chữ Hán 前 朝 學 妃 阮 文 氏 謚 俶 順 之 寢, tạm dịch: Tiền triều Học Phi - Nguyễn Văn Thị thụy Thục Thuận chi tẩm

Tấm bia của lăng bà Học Phi bị nứt
Lăng bà Học Phi nhìn từ phía ngoài
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh bên cạnh ngôi mộ hoang phế của bà Tài nhân họ Phạm
Các phóng viên báo chí có mặt tại huyệt mộ của bà Tài nhân họ Lê vào sáng ngày 6.7.2017

Huyệt mộ bài Tài nhân được tìm thấy vào sáng ngày 6.7.2017

Đó chỉ là điển hình những di tích đang bị bỏ hoang và rơi vào tình trạng hoang phế. Nếu không được kịp thời trùng tu, sửa chữa, chắc chắn trong khoảng thời gian không bao lâu nữa, những di tích như trên sẽ trở thành phế tích trước sự tàn phá của con người và thiên nhiên. Không biết đơn vị quản lý và cấp chính quyền giải thích với người dân và dư luận thế nào về vấn đề này vì từ nhiều năm nay, thực trạng này đã được đề cập trên các phương tiện truyền thông và báo chí.

Bãi đỗ xe 17.000m2 và sự phá vỡ cảnh quan trong quần thể lăng Tự Đức

Đây là một quần thể đặc biệt, đa dạng với trung tâm là Khiêm Lăng và lân cận là khu vực quần thể mộ các phi tần vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh hướng ra sông Hương, lăng Đồng Khánh, Đàn Nam Giao, Lăng Thiệu Trị… Nếu có hướng hoạch định và tầm nhìn, hoàn toàn có thể thiết kế những tour du lịch mang tính chất tâm linh và mang lại nhiều giá trị văn hóa, kinh tế cao.

Nằm ven bờ sông Hương, cách trung tâm TP Huế khoảng 7km, đồi Vọng Cảnh là một khu vực thơ mộng, khách du lịch có thể nhìn thấy được phong cảnh nên thơ của thành phố Huế và đặc biệt là khu vực toàn bộ lăng tẩm của các vua vương triều Nguyễn.

Đồi Vọng Cảnh

Việc xây dựng bãi đỗ xe tại đây với diện tích lớn dẫn đến quần thể cảnh quan, di tích bị phá hoại một cách nghiêm trọng vì sẽ cắt đứt sự liền mạch trong một quần thể di tích, cảnh quan. Cũng cần nói thêm rằng, với chi phí đền bù, giải tỏa ở đây chỉ là 3,6 tỉ đồng và vốn đầu tư 15 tỉ trong vòng 30 năm của chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá trị (TP.Huế) đã được sự đồng ý của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế & UBND TP Huế thì các di tích có khả năng trở thành phế tích với cái giá rất rẻ rúng hay không?

Dư luận đang đặt ra câu hỏi có phải do bà Nguyễn Thị Thúy Hòa – nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá trị (TP.Huế) mà công ty này được hưởng những đặc quyền, đặc lợi trong dự án bãi đỗ xe này hay không?

Quy hoạch thành khu du lịch tâm linh

Như đề cập ở trên, quần thể di tích và cảnh quan này hoàn toàn hội đủ các điều kiện để định hướng, quy hoạch trở thành khu du lịch tâm linh. Hướng đi này chắc chắn sẽ được sự ủng hộ, đồng tình của người dân, xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước…Hãy nhìn cách làm du lịch tâm linh của các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan như thế nào! Đây cũng là một cơ hội để quảng bá du lịch Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đến với bạn bè thế giới.

Những di tích, cảnh quan có thể bị tàn phá bởi thiên nhiên nhưng điều nguy hiểm nhất là sự phá hủy của con người nếu không có sự tôn trọng, gìn giữ và bảo tồn. Cần lắm những cái TÂM và cái TẦM cho đất thần kinh và các thế hệ mai sau!

QUANG LONG

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của một giảng viên đại học, hiện sống tại TP.HCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại
Ngân hàng Nhà nước mở 4 phiên đấu thầu vàng, nhưng hủy đến 3 lần. Một phiên đấu thầu diễn ra thì cũng chỉ bán được 20% số vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch tâm linh Huế: Tiềm năng chưa được quan tâm