Du lịch Việt Nam hãy bớt tự sướng về những con số như vậy và tổng lượt khách. Thay vào đó là số ngày lưu trú, doanh thu và chi tiêu trên đầu mỗi khách khi đến.

Du lịch Việt Nam: Hãy bớt 'tự sướng' về những con số

Nguyen Van My | 25/10/2018, 09:00

Du lịch Việt Nam hãy bớt tự sướng về những con số như vậy và tổng lượt khách. Thay vào đó là số ngày lưu trú, doanh thu và chi tiêu trên đầu mỗi khách khi đến.

Năm 2018, đã bước sang quý 4,du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với 2 con số. Tuy nhiên, có vượt qua “kỳ tích tăng trưởng 2017” (lời một lãnh đạo ngành) là 29,1% hay không thì phải đợi thêm vài tháng nữa. Thật ra, mức tăng trưởng kỷ lục của du lịch Việt Nam là 34,8% vào 2010, sau đó thoái trào thê thảm. Năm 2015, mức tăng trưởng chỉ còn 0,9%, bỗng nhảy vọt lên 26% năm 2016 và 29,1% năm 2017.

Trước đây, việc tăng trưởng thường thiếu ổn định và theo chu kỳ. Quan trọng nhất là chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể việc tăng hay giảm. Chưa kể, số liệu thống kê khập khiễng, thiếu chi tiết.

Nhìn ra thế giới

Cách đây không lâu, Mastercard vừa công bố kết quả khảo sát thực hiện tại 162 thành phố trên thế giới. Bangkok, London và Paris là 3 điểm đến dẫn đầu lượng khách du lịch quốc tế. Các con số lần lượt là 20,05 triệu, 19,83 triệu và 17,44 triệu. Góp mặt trong Top Ten có 3 thành phố của Asean, ngoài Bangkok dẫn đầu, còn có Singapore hạng 5, KualaLumpur hạng 7 với lượng khách là 13,91 triệu và 12,58 triệu. Bảng xếp hạng gồm số lượng du khách đến, thời gian lưu trú và khoản chi tiêu mỗi ngày trên đầu khách

Bảng xếp hạng chi tiêu của du khách qua khảo sát của Mastercard

Theo bảng xếp hạng, chi tiêu đầu khách lưu trú mỗi ngày cao nhất là Dubai 537 USD, bỏ xa vị trí thứ 2 là Paris 301 USD. Singapore xếp thứ 3 với 286 USD. Thấp nhất là Istanbul 108 USD. Thời gian lưu trú mỗi khách dài nhất là New York 8,3 đêm. Tiếp theo là Tokyo 6,5 đêm. Ngắn nhất là Paris 2,5 đêm và Dubai 3,5 đêm.

Xếp theo chi tiêu mỗi khách trên tour, Dubai vẫn dẫn đầu với 1.879.5 USD. Tiếp theo là Singapore 1.229.8 USD,New York 1.220.1 USD,Tokyo 1.001USD. Thấp nhất là Istanbul 626.4 USD; Kualar Lumpure 682 USD. Bangkok xếp thứ 6 với 813.1 USD nhưng vẫn trên Paris thứ 8 với 752.5 USD.

Những con số gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về các mối liên đới giữa lượngkhách, thời gian lưu trú, chi tiêu qua đêm mỗi khách và cuối cùng là chi tiêu mỗi khách trên tour.

Nhìn lại Việt Nam

Năm 2017, Việt Nam đón 12.9 triệu khách quốc tế và hơn 73 triệu khách nội địa. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới,đứng đầu châu Á.

Theo số liệu của Sở Du lịch TP.HCM, năm 2017 thành phố đón 6.400.000 khách quốc tế,24.900.000 khách nội địa, doanh thu gần 116.000 tỉ đồng. Mức chi tiêu trên mỗi khách là 3.706.000 đồng, cao nhất nước. Doanh thu du lịch xếp thứ 2 là Hà Nội 70.958 tỉ đồng,nhưng chi tiêu tính theo đầu khách là 2.978.000 đồng, xếp sau Khánh Hòa 3.145.000 đồng,dù doanh thu tỉnh này chỉ 17.300 tỉ đồng.Chi tiêu đầu người thấp nhất là Thái Nguyên 139.000 đồng, dù lượng khách gần 2.230.000 người. Tiếp theo là Đồng Tháp 197.000 đồng, với lượng khách trên 3.300.000 lượt. 13 tỉnh miền Tây, chưa tỉnh nào có chi tiêu đầu khách tới 900.000 đồng. Ngạc nhiên là các thành phố như Cần Thơ đón 7.500.000 khách, nhưng chi tiêu đầu người chỉ 386.000 đồng. Hải Phòng đón 7.056.340 khách, chi tiêu đầu người là 390.000 đồng. Ninh Bình đón 7.000.000 khách, chi tiêu mỗi khách là 358.000 đồng…

Du khách quốc tế ở Văn Miếu (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Vũ Phước

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2017 là 515.000 tỉ đồng. Đối chiếu số liệu này với các tỉnh lại bất cập. TP Hồ Chí Minhchiếm 6,4/12,9 triệu khách quốc tế và 24,9/73 triệu khách nội địa, nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 1/4 của cả nước. Tôi đã cố thử cộng doanh thu của 63 tỉnh, thành (theo số liệu báo cáo của các Sở) thì cũng không lấy đâu ra cho đủ 515.000 tỉ đồng. Khoảng 1/3 tỉnh, thành phố có tổng doanh thu du lịch năm 2017 dưới 1.000 tỉ đồng.

Cũng theo Sở Du lịch, khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh lưu trú bình quân 5,21 đêm và chi tiêu mỗi đêm là 145USD. Nếu nhân với 6.400.000 khách, tổng doanh thu sẽ là 4.759.337.000USD. Theo tỉ giá 1USD = 23.5000 đồng thì doanh thu từ khách quốc tế của Sài Gòn sẽ là 111.860 tỉ. Chẳng lẽ 29.400.000 khách nội địa của TP.HCM chỉ thu được khoảng hơn 4.000 tỉ đồng?

Dông dài như vậy để thấy sự khập khiễng của du lịch Việt Nam qua các con số.

Lễ hội phục vụ du lịch hay để tuyên truyền?

Việt Nam hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Các tỉnh có lượng khách lớn mà chi tiêu đầu người thấp đều là những địa phương có nhiều lễ hội. Các lễ hội này thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt khách. Tất cả đều miễn phí. Các lễ hội thường gắn với các ngày lễ, các sự kiện chính trị. Mục đích chính là phục vụ người dân địa phương và báo cáo. Lễ hội nào cũng có công thức chung và tốn tiền tỉ. Ở nhiều tỉnh, khi tổ chức lễ hội, khách sạn tại chỗ thường không đủ phục vụ khách mời và quan chức.

Nhu cầu của người dân địa phương là chính đáng và tổ chức phục vụ cho người dân là nhiệm vụ chính trị cần thiết. Tuy nhiên cần phải rạch ròi. Các lễ hội chính trị, tuyên truyền không thể đưa vào thống kê lượng khách du lịch. Cũng không thể cộng gộp khách tham quan các điểm thành lượng khách chung để tự sướng. Khách du lịch được tính dựa vào dịch vụ lưu trú. Còn các điểm tham quan, doanh thu được tính chung cho ngành du lịch. Chắc chắn trong số 29.400.000 khách nội địa của thành phố, có hơn 5.000.000 khách đến tham quan Suối Tiên và Đầm Sen,đi về trong ngày.

Các số liệu thống kê cần chi tiết và khoa học hơn. Đó cũng là cách tìm ra nguyên nhân cụ thể của việc tăng trưởng. Từ đó có chiến lược và cách làm phù hợp cho việc phát tiển bền vững.

Báo cáo tổng kết du lịch của các địa phương bao giờ chữ cũng nhiềugấp cả chục lần con số với nhiều lời có cánh, dông dài kể lể. Có báo cáo còn liệt kê là phát được bao nhiêu tờ rơi, treo được bao nhiều cờ phướn, khẩu hiệu, bao nhiêu người tham gia mít tinh, diễu hành…

Du lịch Việt Nam hãy bớt tự sướng về những con số như vậy và tổng lượt khách. Thay vào đó là số ngày lưu trú, doanh thu và chi tiêu trên đầu mỗi khách khi đến.

Nguyễn Văn Mỹ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Việt Nam: Hãy bớt 'tự sướng' về những con số