Lê Anh Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đấu giá Bắc Trung Nam, bắt đầu hoạt động đấu giá kể từ năm 2005, khi Nghị định 05 của Chính phủ cho phép các tổ chức đấu giá (doanh nghiệp) tham gia đấu giá, ngoài các trung tâm đấu giá địa phương trực thuộc sở tư pháp.

Dự thảo Luật Đấu giá: Những kiến nghị từ thực tế

Huỳnh Phan | 04/11/2016, 11:08

Lê Anh Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đấu giá Bắc Trung Nam, bắt đầu hoạt động đấu giá kể từ năm 2005, khi Nghị định 05 của Chính phủ cho phép các tổ chức đấu giá (doanh nghiệp) tham gia đấu giá, ngoài các trung tâm đấu giá địa phương trực thuộc sở tư pháp.

Trong hơn 10 năm hành nghề, ông Linh đã thành công trong việc bán tài sản nhà nước với giá cao nhất có thể được, và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các tổ chức sở hữu tài sản nhà nước.

Chỉ có điều, sau mỗi lời khen ngợi, các tổ chức sở hữu tài sản nhà nước đó lại không tiếp tục thuê công ty ông Linh nữa, khi có nhu cầu bán tài sản qua đấu giá. Đơn giản bởi vì, tuy số tiền nhà nước thu về được từ đấu giá tài sản có cao, nhưng lãnh đạo những tổ chức này lại chẳng được xu nào. Họ muốn thuê những doanh nghiệp đấu giá chịu thông đồng với họ và người mua, để họ có tiền ăn chia ở giữa.

Chính vì lý do trên đây, khi biết Quốc hội sẽ đưa ra thảo luận và thông qua Luật Đấu giá ở kỳ họp thứ 2, khóa 14, ông Linh đã đưa ra những góp ý với mong muốn góp phần xây dựng Luật được chặt chẽ hơn để lĩnh vực bán đấu giá được trong sạch hơn, và chặn đứng nạn tiêu cực trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản. Và quan trọng hơn, với hy vọng luật được xây dựng theo cách đó, DN ông sẽ có nhiều việc làm hơn.

Những kiến nghị của ông Lê Anh Linh

1. Điều 3 trong Dự thảo, qui định về tài sản đấu giá, không có qui định về tài sản của các DN có từ 30% vốn nhà nước trở lên là đối tượng phải bán qua đấu giá. Theo ông Linh, số tài sản này rất lớn, nếu để tự DN bán, có nguy cơ thất thoát một số vốn lớn của nhà nước.

Ông Linh ví dụ rằng tất cả các tập đoàn kinh tế, hay tổng công ty lớn, như Điện Lực, Than Khoáng sản, Hàng không, Dầu khí, Bia rượu, Thuốc lá..., đều đã cổ phần hóa, nhưng Nhà nước vẫn còn vốn khá lớn trong đó. Hàng năm, những tập đoàn và tổng công ty này bán tài sản thanh lý, do thay đổi dây chuyền sản xuất và sửa chữa hằng năm, rất lớn. Gần đây, nhiều DN trong số này tự tổ chức đấu giá, bởi theo qui định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP và Điều 185 Luật Thương mại (2005) các DN này khi bán tài sản của mình không bắt buộc phải thuê các DN có chức năng bán đấu giá.

“Không qua đấu giá minh bạch, ai có khả năng đảm bảo được rằng tài sản nhà nước không bị thất thoát”, ông Linh đặt câu hỏi nghi ngờ.

2. Ông Linh đề nghị sửa nội dung “xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản qui định tại Khoản 3, Điều 3, của Luật này theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá”, nêu tại Điểm g, Khoản 1, Điều 24, qui định quyền, nghĩa vụ của DN đấu giá tài sản, thành “doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản thì không được hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động thẩm định giá thì không được đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản".

Lý do ông Linh nêu ra về việc sửa nội dung này và hiện nay các DN có vốn của Nhà nước chiếm 30% là rất lớn, nếu để cho DN vừa thẩm định giá vừa tổ chức bán đấu giá thì không khách quan, và sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực.

"Thế chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi“, ông Linh nói.

c) Tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai việc đấu giá tài sản; thực hiện không đúng quy định việc bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá hoặc có hành vi cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá.

Ông Linh đề nghị sửa thành:

c) Tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện việc niêm yết đấu giá tài sản; không thông báo công khai đầy đủ các nội dung qui định tại Khoản 2, Điều 34; thực hiện không đúng quy định việc bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá hoặc có hành vi cản trở, hạn chế người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá.

Ông Linh cho rằng nội dung của Điểm c quá chung chung. Hiện nay một số tổ chức bán đấu giá vẫn đăng thông tin lấy lệ, khi khách hàng đến không biết tài sản gì, của ai và để ở đâu. Hồ sơ lưu và hồ sơ bán cho khách hàng khác nhau để đánh lừa người có nhu cầu tham gia và đánh lừa cơ quan thanh kiểm tra.

Ví dụ rõ ràng nhất là vụ bán khách sạn hai mặt tiền, rộng 276 m2, ở 120 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Người thắng đấu giá trả 50 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm là... 49,885 tỷ đồng, tức là chênh so với giá khởi điểm chỉ mấy chục triệu. Ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc, khu đất vàng này được rao bán tại sàn giao dịch bất động sản với mức giá 110 tỷ đồng. (Rất may là vụ việc này đã bị phát hiện ra, và kết quả bị hủy).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, có kể rằng ông được tiếp cận bản sao hai tờ thông báo về việc bán đấu giá khách sạn này, một bản gửi ra ngoài và một bản lưu hồ sơ. Trong thông báo ra ngoài, thông tin về địa điểm của khu đất vàng này chỉ vẹn vẻn các con số của quyển sổ đỏ khu đất, khiến một người bình thường, qua các con số, khó có thể biết khu đất này chỉ cách Hội trường Ba Đình vài trăm mét.

Thời hạn quyền sử dụng khu đất còn lại được thông báo ra ngoài chỉ còn ba năm, kể từ thời điểm đấu giá, chứ không phải là 50 năm như thực tế, và như trong bản thông báo lưu hồ sơ. Trong bản thông báo ra ngoài, kể từ khi hết thời hạn bán hồ sơ đến thời hạn nộp thầu chỉ một ngày, trong khi bản lưu hồ sơ còn đến 15 ngày…

“Một câu hỏi đáng sợ đặt ra là trong số 23.059 hợp đồng bán đấu giá tính đến đầu năm 2015 (mà rất nhiều trong số đó là tài sản và đất đai của nhà nước), đã có bao nhiêu vụ việc như khu đất 120 Quán Thánh, mà không bị phát hiện ra?”, ông Tuấn thực sự nghi ngờ.

Không thể tự đấu giá tài sản bảo đảm nợ xấu

Ngô Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Bán Đấu giá Hà Nội, hoạt động trong nghề này từ năm 1997. Ông tham gia trong ban thẩm định xây dựng dự thảo luật từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, và đã đóng góp nhiều ý kiến vào bản dự thảo trình ra Quốc hội lần này. Trong đó, đáng chú ý nhất là đề nghị xem xét lại Điều 64 về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu.

Điều 64 qui định:

Trong trường hợp nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được bán đấu giá theo quy định của pháp luật thì tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá tài sản hoặc tự đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

Theo ông Minh, nếu để tổ chức do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu và tài sản thế chấp cho các món nợ xấu của các tổ chức tín dụng, sẽ có nguy cơ gây thất thoát vốn Nhà nước.

“Ai cũng biết là ngân hàng khi định giá tài sản thế chấp để cho vay thường định giá ở mức 70% giá thị trường (để cho vay 70% số tiền định giá). Đến khi món nợ trở thành nợ xấu, họ vẫn căn cứ vào đó để định giá khởi điểm tài sản thế chấp khi đấu giá, hay khi giá thị trường của tài sản thế chấp đi xuống, họ sẽ định giá lại với mức thấp hơn. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ có sự thông đồng giữa những người mua, thậm chí có sự tham gia của xã hội đen, để cuối cùng mua được với giá chỉ hơn giá khởi điểm một chút”, ông Minh giải thích.

Cho nên, theo ông Minh, dứt khoát phải bỏ mệnh đề “tự đấu giá tài sản” trong điều này. “Chỉ có tổ chức đấu giá tài sản có quyền được ký hợp đồng với tổ chức quản lý nợ xấu để tổ chức chuyên nghiệp đấu giá thôi”, ông Minh khẳng định.

Huỳnh Phan
Bài liên quan
Real Madrid bán đấu giá tủ quần áo của các huyền thoại
Trang Business Today đưa tin những vật phẩm lịch sử của sân vận động Santiago Bernabéu đã được câu lạc bộ Real Madrid hợp tác với đơn vị Sotheby's đưa ra đấu giá tại Luân Đôn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Luật Đấu giá: Những kiến nghị từ thực tế