Báo cáo kinh tế quý 3/2016 của cả EU lẫn Nhật Bản có vẻ như đều thống nhất ở cùng một điểm, đó là mức lạm phát kỳ vọng 2% như một điều kiện cần thiết để hồi phục tăng trưởng ở cả hai nền kinh tế này sẽ không trở thành hiện thực trong năm 2016.

Nhật Bản và EU đầu hàng trong cuộc chiến chống giảm phát?

Nhàn Đàm | 02/11/2016, 14:25

Báo cáo kinh tế quý 3/2016 của cả EU lẫn Nhật Bản có vẻ như đều thống nhất ở cùng một điểm, đó là mức lạm phát kỳ vọng 2% như một điều kiện cần thiết để hồi phục tăng trưởng ở cả hai nền kinh tế này sẽ không trở thành hiện thực trong năm 2016.

Nền kinh tế thế giới quý 3/2016 chứng kiến một sự trái ngược nhất định về tình trạng sức khỏe giữa các nền kinh tế lớn nhất hành tinh. Trong khi Mỹ và Trung Quốc đều đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định trong quý 3 (Mỹ đạt 2,9% so với mức dự báo là 2,6%, trong khi Trung Quốc duy trì tốc độ 6,7% như 2 quý đầu năm), thì điều ngược lại đang diễn ra với hai nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) khi cả hai đều được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn mức dự kiến.

Đây là điều không quá khó hiểu khi cả Nhật Bản và EU dường như đangthất bại trong cuộc chiến lớn nhất tại nền kinh tế của mình: cuộc chiến chống giảm phát. Dù còn gần 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2016, nhưng có thể khẳng định rằng mục tiêu lạm phát 2% mà Nhật Bản và EU đặt ra đã tan thành mây khói.

Báo cáo kinh tế quý 3/2016 của cả EU lẫn Nhật Bản có vẻ như đều thống nhất ở cùng một điểm, đó là mức lạm phát kỳ vọng 2% như một điều kiện cần thiết để hồi phục tăng trưởng ở cả hai nền kinh tế này đều sẽ không trở thành hiện thực trong năm 2016.

Tính đến hết quý 3 năm nay, theo báo cáo của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thì mức lạm phát tại khu vực đồng tiền chung eurozone mới chỉ đạt 0,7% kể từ đầu năm - tức mới chỉ đạt mức lạm phát lõi (mức lạm phát gần như chắc chắn sẽ đạt được theo tính toán). Bản thân thống đốc ECB Mario Draghi cũng thừa nhận lạm phát tại khu vực eurozone tính đến hết năm 2016 cao nhất cũng có thể chỉ đạt khoảng 1% mà thôi.

Đây là điều đã được dự báo từ trước khi mà nền kinh tế EU đang trải qua một năm đầy sóng gió và tồi tệ nhất từ trước đến nay. Việc nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý để tách khỏi Liên minh (Brexit) khiến cho nền kinh tế EU phải hứng chịu những biến động lớn, tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và kế hoạch chống giảm phát.

Ngay sau Brexit thì EU lại dính phải cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng, khi một loạt các ngân hàng lớn tại Italia và Đức đối mặt với nguy cơ sụp đổ do nợ xấu và sụt giá cổ phiếu trầm trọng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu hàng đầu của ECB là ổn định nền kinh tế EU trước những sức ép có thể dẫn đến khủng hoảng lớn thay vì tập trung vào nỗ lực chống giảm phát.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với nền kinh tế Nhật Bản. Trong cuộc họp vào ngày thứ Ba 1.11, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đưa ra thông báo chính thức về việc sẽ lùi thời hạn đối với việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Theo đó, BOJ đã lùi thời hạn kỳ vọng đạt được mức lạm phát 2% vào cuối năm nay sang thời điểm tháng 4.2018 – thời điểm thống đốc BOJ là ông Haruhiko Kuroda sẽ hết nhiệm kỳ.

Trước đó, trong một tuyên bố vào giữa tháng Bảy vừa qua, BOJ cũng đã đưa ra thời hạn để nền kinh tế Nhật Bản đạt mức lạm phát 2% vào khoảng tháng 3.2018. Lý giải cho sự điều chỉnh về mặt thời gian này, thống đốc BOJ Kuroda cho biết: “Thực tế là cần phải có một khoảng thời gian nhất định mới có thể xóa bỏ được căn bệnh giảm phát đã đeo bám nền kinh tế Nhật Bản trong suốt 15 năm qua”.

Ngoài việc điều chỉnh thời hạn đạt được mức lạm phát kỳ vọng 2%, BOJ cũng đã giảm dự báo mức lạm phát trong năm tài khóa 2017 như một sự thừa nhận những khó khăn lớn mà nền kinh tế Nhật đang phải đối mặt.

Cũng tương tự như nền kinh tế EU, kinh tế Nhật Bản đã có một năm 2016 đầy sóng gió. Nền kinh tế toàn cầu ảm đạm khiến cho những nỗ lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của thủ tướng Shinzo Abe gặp nhiều khó khăn. Đồng yen tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay do một loạt những biến cố trên thị trường tài chính thế giới cũng khiến cho xuất khẩu của Nhật Bản gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó những phép màu từ các chính sách cải cách Abenomics của thủ tướng Abe dường như đã hết tác dụng, khi ở thời điểm hiện tại BOJ chỉ còn có thể duy trì duy nhất việc mua vào trái phiếu (dự kiến khoảng 80.000 tỉ yen, tương đương 764 tỉ USD, mỗi năm) mà thôi.

Việc cả hai nền kinh tế lớn là EU và Nhật Bản gần như đã đầu hàng trong cuộc chiến chống giảm phát ít nhất là trong năm 2016 đang khiến cho những kỳ vọng về việc có thể tìm ra thuốc chữa cho căn bệnh này tan thành mây khói.

Rõ ràng là, cả kinh tế Nhật Bản và EU khó có thể đánh bại giảm phát nếu như nền kinh tế toàn cầu không hồi phụcqua đó thúc đẩy tăng trưởng ở hai nền kinh tế lớn này. Nhưng, khi nào nền kinh tế thế giới có thể thoát khỏi tình trạng trì trệ vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời đáp ở thời điểm hiện tại.

Nhàn Đàm (theo Reuters)
Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản và EU đầu hàng trong cuộc chiến chống giảm phát?