Trái tim của Du Tử Lê đã ngừng đập, ông đã đi vào cõi vô cùng với tâm thế “mịn màng như nỗi chết, hoang đường như tuổi thơ…” loài chim bói cá của ông cũng “đã ngừng cánh bay” trong tiếng kêu thảng thốt “Thụy ơi và tình ơi…”.

Du Tử Lê: ‘Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa’

Tiểu Vũ | 10/10/2019, 09:36

Trái tim của Du Tử Lê đã ngừng đập, ông đã đi vào cõi vô cùng với tâm thế “mịn màng như nỗi chết, hoang đường như tuổi thơ…” loài chim bói cá của ông cũng “đã ngừng cánh bay” trong tiếng kêu thảng thốt “Thụy ơi và tình ơi…”.

Nhà thơ Du Tử Lê đã lặng lẽ ra đi trong giấc ngủ ở tuổi 77 lúc 20 giờ (giờ địa phương) tại nhà riêng ở thành phố Garden Grove, phía bắc quận Cam bang California, Mỹ. Giấc ngủ đến vô cùng của ông khiến cho cộng đồng yêu văn chương trong và ngoài nước thảng thốt bùi ngùi thương tiếc.

Nhà thơ Du Tử Lê - Ảnh: Thiết Trần

Khi nhắc đến tên tuổi của nhà thơ Du Tử Lê cũng đồng nghĩa nhắc đến những áng văn chương tuyệt đẹp, những vần thơ hay đến độ người ta thuộc nằm lòng như Khúc thụy du, Khúc tháng hai, Khúc tháng chín, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển...

Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc, trong số đó có những bài hát trở thành bất hủ trong như Khúc thụy du qua phần phổ nhạc của Anh Bằng, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (nhạc Phạm Đình Chương), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (nhạc Phạm Duy), Trên ngọn tình sầu (nhạc Từ Công Phụng)...

Trong những bản nhạc được phổ từ thơ của Du Tử Lê, bài Khúc thụy du do cố nhạc sĩ Anh Bằng viết nhạc là tác phẩm nổi tiếng và nhiều giai thoại nhất. Đây được coi là một trong những tuyệt khúc mà hình ảnh, ca từ cũng như giai điệu đẹp vô cùng, mang theo những nỗi buồn, những trăn trở và cả những tiếc nuối với tình yêu dang dở…

Khúc thụy duđược nhà thơ sáng tác vào tháng 3.1968, viết về cuộc tình có thật của nhà thơ với cô nữ sinh viên trường Dược Sài Gòn tên là Thụy Châu - người sau này trở thành bạn đời của nhà thơ nhưng chia tay vào năm 1988. Mối tình nảy nở trong thời kỳ đất nước đầy biến động bởi chiến tranh.

Du Tử Lê trầm tư bên biển - Ảnh: Nguyễn Đức Cung

Với Khúc thụy du do Anh Bằng gắn giai điệu vào, bài thơ đã trở một bản tình ca êm ái mượt mà mang theo những nỗi buồntrăn trở tiếc nuối về một cuộc dang dở… Những ám ảnh về chiến tranh chết chóc của Du Tử Lê đã được Anh Bằng lượt và thay vào đó là ám ảnh về tình yêu bằng tiếng thiết tha “Thụy ơi và tình ơi!”…

Trong nguyên bản bài thơ của Du Tử Lê, ông đã truyền tải một ý nghĩa lớn lao hơn. Đó bức tranh tàn khốc của chiến tranh và thông điệp về khát vọng hòa bình, khát vọng được sống yêu được hít thở bầu không khí tự do của tác giả cũng như nhiều người trong thời điểm đó.

“Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?” – nhà thơ Du Tử Lê giải thích vào ngày 30.10.2010 trên trang web cá nhân.

Nhà thơ Du Tử Lê qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường

Có thể nói Khúc thụy du là một trong những bài thơ tiêu biểu của Du Tử Lê, bài thơ với những ngôn từ, hình ảnh đẹp lung linh nhưng ám ảnh đến lạ lùng. Giọng thơ của ông thảng thốt thét gào, đau thương, rồi chùng xuống xót xa về thân phận tình yêu, thân phận con người trong thời ly loạn.

Khúc thụy ducủa Du Tử Lê đặt ra cuộc đời hàng loạt câu hỏi, có câu hỏi trả lời được, có câu hỏi cho đến nay vẫn mãi mãi là ám ảnh và bí ẩn “vì sao mình yêu nhau?/vì sao môi anh nóng/vì sao tay anh lạnh?/vì sao thân anh run/vì sao chân không vững?/vì sao anh van em?...”.

Với một người từng sống trong thời ly loạn như Du Tử Lê, có lẽ mọi câu hỏi đối với ông trong thời điểm ấy là vô nghĩa bởi ngoài kìa “đời sống như thân nấm mỗi ngày một lùn đi"và khi “ngước nhìn lên huyệt lộ bầy quạ rỉa xác người”. Ngôn ngữ trong thơ của Du Tử Lê như những nét cọ ứa máu vẽ nên một bức tranh nhìn đến rợn người:

“trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha”.

Trong tình cảnh ấy, thi sĩ trởnên tuyệt vọng và ví von mình “như con chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm” loay hoay đi tìm “cuộc đời đánh mất trong vụng nước cuộc đời” và ám ảnhvề sự chết:

"mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài".

Nghe bài hátKhúc thụy du - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Anh Bằng - Người hát: CS Tuấn Ngọc

Những câu thơ oằn mình những tiếng gào thét đau thương trong thời ly loạn trong Khúc thụy du của ông đã ra đời như thế: “Đó là điều gì đó rất bấp bênh và chia ly gần như thường trực, có những cuộc tình đổ vỡ, và như vậy thì làm sao nhìn về một hướng được. Thành ra, khi viết bài thơ đó, tôi muốn nói: Yêu nhau không phải là nhìn về một hướng mà yêu nhau là nên nhìn vào định mệnh, cuộc đời, hoàn cảnh của nhau, kể cả sự chia lìa trước sau cũng sẽ đến, đó là ý niệm sâu xa của bàiKhúc thụy du",nhà thơ Du Tử Lê viết.

Thế rồi thời cuộc đã đi qua, con chim bói cá cô đơn “trên cọc nhọn trăm” của ngày xưa của ông đã bay lên, tự do vẫy vùng trên bầu trời cao rộng ở phương khác… Nhà thơ Du Tử Lê đã “anh ru anh ngủ mùi” ở tuổi 77, Khúc thụy du, Khúc tháng hai, Khúc tháng chín thì còn ở lại. Người đời nhớ ông đến ông, nhớ tiếng thơ tha thiết: “Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa, sẽ mang được những gì về bên kia thế giới?”.

Khúc thụy du - Thơ: Du Tử Lê

1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thuỵ ơi và thuỵ ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thuỵ ơi và thuỵ ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh run
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thuỵ ơi và thuỵ ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

Tiểu Vũ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du Tử Lê: ‘Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa’