"Vàng bạc, kim cương không phải thứ đắt nhất mà thứ đắt nhất là sự thật, SGK cần đưa những cuộc chiến lịch sử của đất nước vào chương trình để các em học sinh tiếp cận một cách trung thực nhất".

Đưa chiến tranh biên giới vào SGK: Để học sinh tiếp cận sự thật lịch sử trung thực nhất

Một Thế Giới | 24/02/2016, 17:12

"Vàng bạc, kim cương không phải thứ đắt nhất mà thứ đắt nhất là sự thật, SGK cần đưa những cuộc chiến lịch sử của đất nước vào chương trình để các em học sinh tiếp cận một cách trung thực nhất".

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới sáng 24.2, GS Hồ Ngọc Đại cho biết: Bộ sách giáo khoa (SGK) do chính tay ông biên soạn đã đưa cuộc chiến tranh biên giới vào từ năm 1980. Tuy nhiên sau một thời gian dài bị lược bỏ, cuộc chiến này tiếp tục được đưa vào với nội dung cụ thể hơn từ vài năm nay.
Ông đồng tình với quan điểm mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, hải chiến Hoàng Sa... vào SGK với dung lượng phù hợp. 
Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn khẳng định: Cuộc chiến tranh nào của nhân loại, của đất nước, các biến cố lịch sử rất lớn trong dòng chảy lịch sử như vậy không thể đứt quãng được. Ngành giáo dục hãy để cho học sinh tiếp cận với thời đại, với lịch sử một cách tự nhiên và bình thường.
dua chien tranh bien gioi vao SGK
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An
Cũng cùng quan điểm này, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An nói, rõ ràng trong SGK lịch sử hiện hành đã và đang có nhiều sự bất cập, thiếu sót về mặt cấu trúc và sự kiện. Nhiều sự kiện cơ bản không nhắc tới hoặc nhắc một cách qua loa sơ sài, và học sinh cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Động thái của Bộ GD&ĐT đã thay đổi mặc dù khá muộn, nhưng có còn không, sự thay đổi này do áp lực từ báo chí và giới sử học chứ không phải là do chính Bộ GD&ĐT đề xuất. Nhưng đây là một việc làm thể hiện tính khoa học và cầu thị của chính Bộ giáo dục. 
Hiện nay các hội đồng biên soạn chưa kịp biên soạn SGK mới, Bộ nên có công văn chỉ thị về cho các Sở cần bổ sung kiến thức còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa có trong chương trình cụ thể của chương trình phổ thông. Để khi SGK chưa ra đời học sinh cũng có thể tiếp cận qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, các chuyến đi thăm ngay tại địa phương. 
Không thể nói việc đưa vào SGK các cuộc chiến này sẽ gây thù hằn dân tộc hay ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao 2 nước mà cần cho các em học sinh và người dân được biết để có được hòa bình thì dân tộc ta phải trả giá đắt là sự ngã xuống của cha ông. Ý thức, tinh thần tôn trọng quá khứ, tưởng nhớ tới người ngã xuống là ý thức "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" mà chúng ta đang giảng dạy. 
"Không thể trách các em học sinh vẫn tưởng nhầm khi nghĩ bộ đội nước ta vẫn đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng sự thật thì sao? Sự thật thì quần đảo Hoàng Sa (thuộc địa phận Đà Nẵng) đã mất từ tháng 1.1974, còn quần đảo Trường Sa (thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa) đang mất dần vào tay người bạn 8 chữ vàng của chúng ta. Sách của chúng ta thiếu sự kiện thì phải bổ sung, sai thì phải sửa nhưng phải nói cho đúng sự thật. Vàng bạc, kim cương không phải thứ đắt nhất mà thứ đắt nhất là sự thật, sự thật lịch sử cần phải được coi trọng và ghi nhận. SGK phải đưa những cuộc chiến lịch sử của đất nước vào chương trình để các em học sinh tiếp cận một cách trung thực nhất" - thầy Hiếu khẳng định.
Nhìn nhận thiếu sót tồn tại trong SGK lịch sử, GS TS khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, khi nói đến chuyện xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa lịch sử không thể đem hết tất cả các sự kiện trong lịch sử vào để dạy học. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh như chiến tranh biên giới phía Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến lớn cần phải đưa đầy đủ để học sinh hiểu bản chất cuộc chiến. 
"Cách đây hơn 2 năm, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã trình xin ý kiến Thủ tướng về việc đưa kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa nhưng đến nay Bộ mới có chủ trương và chúng tôi đã thật sự mong mỏi sự thay đổi này của ngành giáo dục", ông nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ đưa nội dung các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa mới một cách cụ thể chứ không chỉ nêu qua loa có 11 dòng như trong SGK như hiện nay. 
Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cũng cho hay thường trực ban  soạn thảo chương trình cũng đã xác định giáo dục tư tưởng, lòng yêu nước cho học sinh là định hướng chung, là nhiệm vụ. Vì thế, trong các môn học như Địa lý, Lịch sử các vấn đề chủ quyền biển đảo, các cuộc chiến tranh trước đây chưa được đưa đầy đủ sẽ được đưa vào thấu đáo. 
Tuy nhiên nội dung cụ thể như thế nào cần xin ý kiến của nhiều đơn vị, các giáo viên và các nhà sử học. Sau khi có chương trình khung, các tiểu ban xây dựng chương trình môn học phải đưa ra bản dự thảo lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các ban ngành cũng như được Hội đồng giáo dục quốc gia thẩm định
Minh Khuê
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa chiến tranh biên giới vào SGK: Để học sinh tiếp cận sự thật lịch sử trung thực nhất