Nhớ hồi đó, ba đưa tôi đi thi và chỉ dặn đi dặn lại câu "Bình tĩnh, cẩn thận và chúc may mắn". Hôm nay, tôi cũng chỉ biết dặn con gái như vậy".

Đưa con đi thi mới hiểu lòng cha mẹ

02/07/2016, 05:07

Nhớ hồi đó, ba đưa tôi đi thi và chỉ dặn đi dặn lại câu "Bình tĩnh, cẩn thận và chúc may mắn". Hôm nay, tôi cũng chỉ biết dặn con gái như vậy".

Ngày thi đầu tiên của các thí sinh vừa diễn ra trong 2 buổi hôm 1.7. Buổi sáng là môn Toán kéo dài 3 tiếng đồng hồ và buổi chiều môn Ngoại ngữ là 1 tiếng rưỡi.

Trong phòng thi là sự căng thẳng của các thí sinh đối với kỳ thi có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng cho cuộc đời mỗi người. Còn ngoài phòng thi, người ta cũng nhìn thấy sự căng thẳng, lo lắng trên từng nét mặt của những phụ huynh đưa con em mình đi thi. Hầu như họ có cùng suy nghĩ, cầu mong cho con em có thể làm được bài thi với kết quả tốt nhất.

Những giọt mồ hôi, tiếng quạt giấy phành phạch xua cái nóng nực, những tiếng xì xào là không khí bên ngoài khu vực thi. Các phụ huynh túm năm tụm ba, trò chuyện để quên đi thời gian chờ đợi căng thẳng. Họ không hề quen biết nhau, có thể chỉ gặp nhau một lần trong đời khi đưa con đi thi nhưng lúc này không trò chuyện thì biết làm gì. Đủ mọi thứ chuyện trên đời như chuyện cá chết - Formosa, chuyện các trận đấu giải Euro, chuyện làm ăn, kiếm sống... và cuối cùng thì vẫn quay về chủ đề thi cử, con cái học hành, thỉnh thoảng ai đó xen tiếng thở dài mong ngóng lo lắng cho con.

Cô Nguyễn Thị Nga ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) kể với tôi: “Mẹ con tôi ra khỏi nhà từ 3 giờ sáng để bắt chuyến phà đầu tiên từ Cần Giờ sang đây. Cháu nó thi mà tôi lo lắng đủ thứ. Sức khỏe con tôi cũng yếu nên tôi lo cháu nó ngất xỉu khi làm bài”.

Ông Phan Văn Thuận nhà bên quận 8 bảo: “Gia đình tôi thuộc dạng khó khăn, chỉ có mỗi 1 chiếc xe cũ. Vì cuộc mưu sinh nên tôi phải tạm nhường xe cho vợ đi bán hàng. Hai cha con dậy sớm đón xe buýt để cháu đi thi. Bậc làm cha mẹ ai cũng muốn con mình vượt qua được kỳ thi quan trọng này”.

Chị Nguyễn Cát Tường đến từ Thủ Đức trông khá trẻ trung là người khá nổi bật trong các phụ huynh. Khi bắt chuyện, chị cho biết mình mới ngoài 40 thôi và tâm sự thật lòng: “Cô ạ, có đưa con đi thi mới biết mới hiểu lòng cha mẹ”. Chị kể hơn 20 năm trước, khi chị lần đầu lên TP.HCM thi đại học thì cũng bỡ ngỡ, bồn chồn như con gái chị hôm nay, hồi hộp căng thẳng nhất là lúc chào mẹ vào trường thi. “Lúc đó, ba tôi đưa đi thi và chỉ dặn đi dặn lại câu "Bình tĩnh, cẩn thận và chúc may mắn". Hôm nay, tôi cũng chỉ biết dặn con gái như vậy. Có đưa con đi thi từ quận này sang quận khác thôi mà tôi còn thấy mệt, huống chi ba tôi ngày xưa khăn gói đưa tôi từ Quảng Trị vào Sài Gòn. Đợt này đưa con gái thi xong thì tôi cũng phải về Quảng Trị thăm lại ba má. Giờ thấy nhớ ngày trước và thương các cụ quá”.

Buổi thi môn Ngoại ngữ kết thúc lúc 16 giờ. Đường Sài Gòn bắt đầu đông đúc, thí sinh ùa khỏi trường thi nháo nhác tìm người thân. Trên nét mặt các em là muôn vàn sắc thái khác nhau. Chưa đi hết nửa chặng đường thi cử. Ngày mai, các em lại cùng cha mẹ, anh chị, người thân bước vào ngày thi kế tiếp với biết bao khó khăn và hy vọng.

Một số hình ảnh ở bên ngoài trường thi:


Bài: Thảo Hương – Ảnh: Nguyễn Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa con đi thi mới hiểu lòng cha mẹ