Ngày 8.11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề “Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Sóc Trăng”.
Theo ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VH-TT-DL Sóc Trăng, với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Sóc Trăng đã và đang phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, gồm: du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch biển.
Theo thống kê, năm 2022 tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 2,8 triệu lượt (tăng 2,8 lần so với năm 2020); tổng doanh thu từ du lịch đạt 1.484 tỉ đồng (tăng 3,5 lần so với năm 2020). Trong 10 tháng năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt 2,4 triệu lượt khách; tổng doanh thu đạt 1.200 tỉ đồng (vượt 18% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ).
Cũng theo ông Trần Minh Lý, ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang đối diện với một số khó khăn như: sản phẩm du lịch đặc thù còn ít; thiếu khu vui chơi giải trí để thu hút khách lưu trú; hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp (4 - 5 sao) chưa có; chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa, di tích lịch sử; nguồn vốn thu hút đầu tư vào du lịch còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu…
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là khung pháp lý quan trọng, làm căn cứ để triển khai các chương trình phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Theo đó, ngành du lịch tỉnh phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại và phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng. Trên thực tế, du lịch Sóc Trăng có tiềm năng lớn, nhiều địa phương trong tỉnh là điểm đến của du khách như: TP.Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề, Mỹ Tú, TX.Vĩnh Châu…