Ngành công nghiệp và giao thông là hai lĩnh vực khiến Đức khó đạt mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu trong năm 2030.
Sau khi được chính phủ mời nghiên cứu cấp độ phát thải khí nhà kính của Đức, một nhóm chuyên gia hôm 4.11 đã cảnh báo rằng nước này có nguy cơ không đạt các mục tiêu chống biến đổi khí hậu vào năm 2030.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã đặt mục tiêu sẽ kéo giảm ít nhất 65% lượng phát thải khí nhà kính kể từ năm 2030, và lên kế hoạch tăng mạnh sản xuất năng lượng tái tạo đồng thời sẽ hoàn toàn ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2030.
Nhưng nhóm 5 chuyên gia đã đặt nghi vấn về khả năng chính phủ Đức đạt các mục trên. Họ nói rằng Đức cần giảm lượng khí thải gấp đôi so với 10 năm trước và trong vài lãnh vực như ngành công nghiệp và giao thông, mức cắt giảm khí thải phải đạt gấp 10 lần trở lên.
Chính phủ Đức cũng khó có thể đạt mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, theo cảnh báo của nhóm chuyên gia. Mục tiêu 80% lưới điện quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo đã bị trì hoãn bởi những vấn đề về giấy tờ và nguồn cung cấp.
Trưởng nhóm là Hans-Martin Henning của Viện Hệ thống Năng lượng Mặt trời Fraunhofer, nói nỗ lực cải thiện hiệu quả năng lượng của Đức không thành công do sự tiêu thụ năng lượng cao hơn ở các tòa nhà lớn và tăng giao thông.
Vì nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm, Đức đã tuyên bố các kế hoạch tái khởi động nhà máy điện chạy than và dầu, nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tăng sản xuất than ở các mỏ cũ.
Ví dụ ngôi làng cổ Luetzerath cùng với một công viên điện gió ở phía tây Đức sắp bị giải tỏa để mở rộng một mỏ than gần đó. Những nhà bảo vệ môi trường đã phản đối kế hoạch vì họ sợ sẽ có thêm hàng triệu tấn khí carbon dioxide được xả vào bầu khí quyển.
Chính phủ Đức nói chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có nghĩa cần phải có những quyết định cứng rắn về an ninh năng lượng, đồng thời nhấn mạnh sẽ vẫn giữ nguyên các mục tiêu đối phó biến đổi khí hậu.
Các quan chức nói số phận của làng Luetzerath chỉ còn đếm từng ngày, nhưng Trái đất sẽ được cứu. Họ dẫn chứng là các chương trình mới sẽ tăng phát điện mặt trời và điện gió.
Chính phủ Đức nhấn mạnh các giải pháp này chỉ là tạm thời và sẽ tăng tốc toàn lực chuyển đổi qua sử dụng năng lượng xanh. Ngày 3.11, Đức đã ký một thỏa thuận sơ bộ để mua thêm LNG từ Ai Cập và giúp quốc gia Bắc Phi này xây dựng cơ sở sản xuất hydrogen.
Chính phủ Đức cũng sẽ giúp Peru số tiền 352 triệu euro (345 triệu USD) để nước này cải thiện hệ thống giao thông công cộng và chống phá rừng nhiệt đới Amazon.