“Cần phân tích động lực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam là gì, chứ không phải động lực nào cũng thành mũi nhọn, như kiểu gai mít”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phải tìm động lực tăng trưởng mới
Sáng 15.11, Hội thảo Kinh tế Việt Nam: “Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
GS.TS. Nguyễn Quang ThuấnChủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ghi nhận một số chuyển biến tích cực của nền kinh tế,nhưng ông cũng cho rằng nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều cản trở khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chưa đi vào thực chất; tăng trưởng trên tài nguyên không còn phù hợp, còn rủi ro…
Do đó, mục tiêu tăng trưởng đòi hỏi phải tìm ra động lực tăng trưởng mới, giúp tăng năng suất, gắn liền chất lượng với số lượng.
Đồng tình với quan điểm này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững là chủ trương rõ ràng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và là mệnh lệnh của cuộc sống để rút ngắn khoảng cách với các nước khác trên thế giới.
Theo đó, tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại, tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, hội nhập quốc tế; bảo đảm tăng trưởng bao trùm, toàn diện vì con người. “Thành quả của tăng trưởng không được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân thì tăng trưởng sẽ không có ý nghĩa gì, không bảo đảm được mục tiêu không một ai bị bỏ lại phía sau”, ông nói.
Phó thủ tướng cho rằng để phát triển nhanh và bền vững thì Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. “Cần phân tích động lực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam là gì, chứ không phải động lực nào cũng thành mũi nhọn, như kiểu gai mít”.
“Chính phủ mong muốn lắng nghe các chuyên gia góp ý về hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội khi còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Các chỉ tiêu này cũng là công cụ để giám sát quá trình điều hành kinh tế của Chính phủ và thống nhất được nội hàm và nhận thức để các ngành, lĩnh vực, mỗi cá nhân đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng chỉ ra đang tồn tại sự lệch pha trong sự phát triển FDI với khu vực trong nước. “Phải chọn lọc FDI thì đúng rồi, nhưng phải làm cho trong nước mạnh lên bằng chính sách đã có, làm cho 2 khu vực đều mạnh lên, tránh rủi ro 2 nền kinh tế trong 1 quốc gia, 2 khu vực trong nền kinh tế”.
Thể chế là nút thắt
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanhnguyên viện trưởng CIEM cho rằng muốn tạo động lực thì phải cải cách thể chế. Chính thể chế là nguồn gốc hạn chế phát huy tiềm năng đẩy đủ của tăng trưởng. “Chúng ta cần luật về BOT và BOT. Ví dụ như hiện nay Hà Nội có hơn 200 dự án BT nhưng toàn chỉ định thầu. Chúng ta thực hiện rất BT và BOT nhưng không có luật gì cả”.
Theo ông Doanh, phải chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang công nghệ. Phải có chỉ số sẵn sàng đổi mới công nghệ, chỉ số bằng phát mình và sáng chế được công nhận… Những điều này phải tham khảo và đưa vào chỉ tiêu xem tăng trưởng bao nhiêu, vận dụng khoa học công nghệ là bao nhiêu… Chỉ thế mới chuyển đổi được.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam hoạt động vẫn rất khó khăn, trong khi khối doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dễ hơn các doanh nghiệp nội địa. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn tập trung chăm lo cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước, điều này khiến chúng ta mất đi nhiều nguồn lực.
Theo TS Trần Du Lịch, bài toán khó mà Việt Nam đang phải giải là làm sao vừa đạt tăng trưởng cao, vừa đảm bảo chất lượng. Muốn làm được phải cải cách về thể chể gắn với nền hành chính công.
“Nước Mỹ có giấy phép con nhưng không ai phiền hà. Ở Mỹ quy định muốn mở cửa hàng thì phải có chỗ để xe 1.000m2 nhưng họ tạo điều kiện để thực thi, nếu không thực thi thì xử lí nghiêm. Trong khi đó ở ta thì rất khó vì bộ máy xử lý kiểu như gãi ngứa; xây nhà trái phép phạt rồi tồn tại, ô nhiễm môi trường phạt rồi tồn tại”.
Ông cho rằng không cần tìm cái mới mà vấn đề là tiếp tục làm hiệu quả 3 đột phá những cái ta đã đề ra. Nếu thế chế tốt, bộ máy tốt và kết cấu hạ tầng tốt thì sẽ làm tốt. Cần tập trung các vùng kinh tế trọng điểm, gắn với đó phát triển kinh tế đô thị, lấy đó làm động lực phát triển thời gian tới.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết có ý kiến khác nhau về tăng trưởng 3 quý đầu năm. “Đầu năm đạt 5,41% nhưng quý 3 là 7,46%là bước nhảy vọt chưa bao giờ có trong khi giải ngân đầu tư công ít, các ngành chủ đạo như dầu khí giảm. Cho nên việc hoài nghi là có cơ sở. Vấn đề bây giờ là lòng tin, không chỉ số liệu mà là cách nhìn với nền kinh tế”.
“Cách tiếp cận dường như bị lệch, nghiêng về số lượng. Chỉ tiêu tăng trưởng chất lượng còn thiếu nhiều. Thành tích tăng trưởng bao giờ cũng tốt. Đầu năm bình thường nhưng cuối năm lúc nào cũng cao”, ông Thiên nói.
Ông đề xuất cách tiếp cận trong 3 năm tới để có động lực thì không thể chạy theo từng năm, phải có hàng loạt chỉ tiêu chứ không riêng GDP. Cần tập trung các giải pháp dài hạn, thay cách làm hoàn toàn chứ không thể cải tiến cách cũ nữa; phải căn cứ vào các cam kết hội nhập để định hình mục tiêu, phải căn cứ vào yêu cầu của các mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới.
“Cái quan trọng hàng đầu là công khai minh bạch, hiểu đơn giản như căn phòng có chuột thì phải thắp đèn lên thì nó tự chạy ra”, ông Thiên cho hay.