Sau khi ra mắt tại Úc và New Zealand vào 7.2016, Pokemon Go - trò chơi được phát triển dựa trên nội dung trong phim Pokemon - nhưng có cách thức chơi khác biệt và thú vị đã được cộng đồng mạng ở nhiều nước trên thế giới nhiệt tình đón nhận.

Đừng biến trò chơi Pokemon Go thành 'tội đồ'

05/09/2016, 15:39

Sau khi ra mắt tại Úc và New Zealand vào 7.2016, Pokemon Go - trò chơi được phát triển dựa trên nội dung trong phim Pokemon - nhưng có cách thức chơi khác biệt và thú vị đã được cộng đồng mạng ở nhiều nước trên thế giới nhiệt tình đón nhận.

Vừa du nhập vào việt nam, trò chơi này nhanh chóng trở thành trào lưu, tuy nhiên “cơn sốt” pokemon go - thú chơi giải trí mới mẻ này cũng đã làm đảo lộn ít nhiều cuộc sống không chỉ của game thủ, mà còn ảnh hưởng đến xã hội mà báo chí đã đề cập đến.

Người “ngoại đạo” thắc mắc, không hiểu game Pokemon Go là gì? Tại sao nó có sức hấp dẫn, “hớp hồn” người chơi đến như vậy? Liệu Pokemon Go có phải là “tội đồ” thật sự không, hay do người chơi tạo ra sự “biến tướng” không nên có? Bởi mục đích của nhà cung cấp là mang đến một làn gió mới cho thế giới game, giúp người chơi chủ động bước ra ngoài thế giới ảo để tương tác với nhau.

Pokemon Go là gì?

Đây là một game tương tác ảo trên di động được phát triển bởi Niantic, cho phép người chơi tìm, bắt, huấn luyện và trao đổi các con thú Pokemon ảo dựa trên thế giới thực. Tuy được cung cấp miễn phí nhưng người chơi có thể trang bị thêm các vật phẩm trong game để phụ trợ với mức phí theo quy định.

Game Pokemon Go sử dụng công nghệ tương tác ảo, vì thế người chơi cần có một thiết bị di động thông minh có kết nối mạng (3G, 4G) và cần bật GPS nhằm định vị khu vực đang ở để tạo thành bản đồ trong game. Trên bản đồ riêng của người chơi có những địa điểm cụ thể gọi là cột mốc. Khi người chơi khám phá những cột mốc mới, bản đồ sẽ được mở rộng thêm, số lượng Pokemon có thể bắt được cũng tăng lên. Ngoài những cột mốc, người chơi còn có thể mang Pokemon của mình đi đấu ở các Gym để nhận các huy chương.

Săn Pokemon - thú ảo, đời thực

Theo nhà cung cấp, đây là lần đầu đánh dấu công nghệ tương tác ảo được áp dụng: thay vì người chơi chỉ ngồi một chỗ thì với Pokemon Go, người chơi sẽ phải đi ra bên ngoài, tới những nơi công cộng như công viên, trường học, bệnh viện, chợ, nhà sách, siêu thị… để tìm và thu phục những chú Pokemon. Mỗi khi đến những điểm mới, bản đồ được mở rộng ra, các cột mốc mới nhiều hơn, số lượng Pokemon mà người chơi có thể bắt được cũng xuất hiện nhiều hơn.

Phát triển từ công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality) và sau đó là AR (Augmented Reality) - công nghệ tương tác thực tế, còn gọi là “tăng cường thực tại ảo” làm cho con người quan sát những vật trong thế giới thật thông qua một thiết bị điện tử. Sức hấp dẫn mà công nghệ AR mang lại cho Pokemon Go ở chỗ nó cho người chơi săn tìm các con thú ảo ngay trong thế giới thật với bản đồ đường phố thật và môi trường thật.

Người chơi phải di chuyển, đi lại trên một quãng đường tính bằng kilomet, phải tìm đến những địa điểm như phòng tập Pokemon Gym là các khu công viên, nhà thờ, chùa… để luyện thú. Sau đó đưa thêm các yếu tố nhân vật game, đồ vật, vị trí ảo vào, đồng thời kết hợp với một cốt truyện và gameplay hợp lí để tạo ra một thế giới ảo mà thật cho người chơi tương tác hoàn toàn tự do.

Cũng có thể ghé các “cửa hàng” PokeStop là các địa danh nổi tiếng trên bản đồ để tìm đồ vật thiết yếu. Để bắt những con Pokemon thuộc tính nước, người chơi phải đi về phía sông lớn hay hồ nước. Cách chơi khá dễ nhưng vẫn thu hút nhiều người vì nó vừa mang tính giải trí cao, vừa giúp mọi người kết nối với nhau, có thêm bạn bè thật, lại có thể giúp con người vận động thể chất như một cách tập thể dục!

Điểm “gây nghiện” nữa là game thực tại ảo AR như Pokemon Go tuy có cốt truyện làm nền nhưng không bị bó buộc vào bất cứ kịch bản định sẵn nào. Từ điểm bắt đầu sẽ có vô số tình huống xảy ra tùy thuộc vào tương tác của người chơi, do đó game có kết cục bất ngờ, không thể đoán trước.

Rõ ràng, sự đột phá của game tăng cường thực tại ảo như Pokemon Go đã bước đầu xóa đi ranh giới giữa thể loại game trực tuyến (hoàn toàn ảo) tạo ra bằng máy tính và trò chơi vận động truyền thống (diễn ra trong môi trường vật lí hoàn toàn có thật). POKEMON GO Khá bức xúc vì Pokemon Go bị “kết tội”, ca sĩ Kyo York - một game thủ của trò chơi này đã lên tiếng trên trang facebook cá nhân của anh để “giải oan” cho Pokemon Go, lập tức nhận được rất nhiều ý kiến tán thành và chia sẻ của cộng đồng mạng. Anh phân tích, mục đích Pokemon Go ra đời hướng đến sự tích cực, nhằm “giải cứu” những người có cuộc sống ù lì, những tâm hồn đóng cửa, lười biếng giao tiếp.

Vì theo nghiên cứu, trò chơi có khả năng chữa bệnh tự kỉ, tăng tính kết nối cộng đồng bằng những tính chất và sự thông minh vốn có của trò chơi. Phần mềm của trò chơi không có một chức năng kết bạn ảo, like ảo, hỏi thăm ảo hay spam làm phiền người khác, mà nó bắt bạn phải vận động thân thể, đi ra ngoài nơi công cộng, công viên, gặp những người cùng chơi để có cơ hội trao nhau một nụ cười cùng lời thăm hỏi trực tiếp. Và dĩ nhiên, lang thang có mục đích còn hơn là… rảnh rỗi sinh nông nổi!

Từ ý nghĩa trên, nhưng khi về đến Việt Nam, người ta đã khiến trò chơi có giá trị tích cực phải bị lên án. Lý do chính người chơi đã tư duy, “sáng tạo” ra cách chơi lười biếng “không giống ai” như hack địa điểm trên Google map để không phải vận động, di chuyển như yêu cầu của trò chơi mà ở nhà ôm điện thoại săn thú cưng. Có người vừa tranh thủ lái xe vừa săn thú, không quan sát gây tai nạn giao thông, cản trở giao thông...

Các công viên thì huyên náo mất trật tự do người chơi Pokemon kéo đến. Rồi mang game vào công sở, trường học để chơi gây tình trạng bỏ việc, bỏ học, thậm chí ngồi hàng giờ ở công viên để cặm cụi bắt Pokemon...

Ca sĩ Kyo York bày tỏ: “Đừng đổ lỗi cho trò chơi, khi chính bản thân của chúng ta là người không có ý thức. Liệu không có Pokemon Go, bạn có tốt lên không?”. Thiết nghĩ, mọi sự việc đều có tính hai mặt của nó. Và trò chơi chỉ là trò chơi, “công” hay “tội” đều do từ con người mà ra. Vì thế, mỗi người nên tự làm chủ mình để những gì con người sáng tạo ra chỉ phục vụ cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy nhớ, trò chơi nào rồi cũng sẽ hết hot và dần bị lãng quên, bởi vậy người chơi cần xác định rằng: Chơi cho vui mà thôi!

Việt An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Loạt chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Giá điện được điều chỉnh 3 tháng/lần; tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng biến trò chơi Pokemon Go thành 'tội đồ'