Thời gian qua nổi lên hàng loạt các nghi án chuyển giá của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Coca-Cola, Metro, Adidas… Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng tình trạng đó không chỉ dừng lại ở DN FDI mà có ở cả các lĩnh vực đầu tư trong nước, không loại trừ DN quốc doanh. Có thể gọi đó là “chuyển giá nội địa”.
Chuyển giá từ giao dịch liên kết
Vừa qua, ông Tai Chung Tui (Đài Loan) đã gửi đơn tố cáo bà Lê Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Nguyên Đạo (Công ty Nguyên Đạo) và ông Jame Chung (quốc tịch Mỹ) lừa đảo chiếm dụng phần vốn đầu tư tại Công ty Nguyên Đạo.
Tổng số tiền chiếm đoạt lên tới gần 9 tỉ đồng và hơn 240.000 USD, thông qua hình thức chuyển giá và vốn đầu tư sang một DN khác do chính bà Đức thành lập. Kinh doanh hiệu quả nhưng DN này lỗ âm hết phần vốn của chủ sở hữu là 5,5 tỉ đồng, đây là vốn điều lệ do các thành viên góp vốn.
Cụ thể, sau khi thành lập Công ty Nguyên Đạo và chuyển nhượng 40% phần vốn góp cho ông Tui với giá 100.000 USD, bà Đức lại thành lập một công ty riêng – Công ty TNHH Một thành viên Thái Liên (số 89 đường 85, P.Tân Quy, Q. 7, TP.HCM) và sử dụng toàn bộ nhân viên cùng tài sản của Công ty Nguyên Đạo để phục vụ việc kinh doanh của Thái Liên.
Điều đáng nói ở đây là toàn bộ các khoản thu nhập vốn có từ hoạt động kinh doanh của Công ty Nguyên Đạo đều được chuyển sang Công ty Thái Liên, nhưng chi phí phát sinh của Công ty Thái Liên lại do Công ty Nguyên Đạo gánh chịu. Công ty Thái Liên giống như một nơi để chuyển mọi giá trị vốn góp và lợi nhuận từ Công ty Nguyên Đạo.
Luật sư Nguyễn Hiệp cho rằng đây được xem như là hoạt động chuyển giá của DN để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Ngoài ra, ông Tui còn tố cáo bà Đức dùng thủ đoạn mua hóa đơn khống để che dấu doanh thu của Công ty Nguyên Đạo cho những hợp đồng không có thực để được khấu trừ chi phí, trốn thuế dẫn đến thua lỗ.
Chỉ tính riêng hai năm 2008-2009, bà Đức đã chi tổng số tiền 1,5 tỉ đồng để mua hóa đơn hợp thức hóa hơn 15 tỉ đồng thành chi phí hợp lý của Công ty Nguyên Đạo. Điều này khiến cho Công ty Nguyên Đạo liên tục trong tình trạng lỗ, mặc dù công việc kinh doanh đạt hiệu quả cao. Hành vi này, được các chuyên gia nhận định cũng là một hình thức chuyển giá sang công ty không liên kết (công ty bán hóa đơn).
Đến thành lập công ty con
Như luật sư Nguyễn Trọng Hạnh đã nói, thậm chí đến DN quốc doanh cũng có nghi vấn thực hiện chuyển giá, ví dụ như sai phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian vừa qua.
Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh phân tích đây là cách chuyển giá thông qua hình thức và cơ chế quản lý giữa công ty mẹ – con. Công ty mẹ được Nhà nước bao cấp thông qua các định mức lợi nhuận, hao hụt. Khi công ty mẹ phân xuống đại lý cấp 1, đại lý bán lẻ lại không tuân thủ cách thức này. Các đại lý bán lẻ lời nhưng công ty mẹ lại bị lỗ. Lỗ thì Nhà nước gánh còn lời thì nằm ở đại lý.
Một đại diện Cục Thuế TP.HCM còn cho biết một tập đoàn nước chấm có tiếng hiện cũng nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế do nghi vấn chuyển giá thông qua việc lập nhiều công ty con tại nhiều địa phương vào những thời điểm khác nhau, để hưởng ưu đãi thuế.
Các công ty khác trong tập đoàn này sẽ dồn doanh thu cho công ty được hưởng ưu đãi thuế nhằm giảm số thuế phải nộp. Nhiều DN khác lách bằng cách ngưng hoạt động hoặc giải thể khi hết ưu đãi, sau đó lập công ty khác để hưởng ưu đãi từ đầu.
Lợi dụng chính sách ưu đãi
Theo một số chuyên gia, hình thức chuyển giá của các công ty trong nước thường dựa vào chính sách ưu đãi đầu tư đối với các vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt là khó khăn được miễn giảm thuế thu nhập DN.
Tại điều 14 luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp có quy định: “DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; DN thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo…”.
Với chính sách ưu đãi này, không ít DN thành lập công ty con tại các địa bàn, lĩnh vực được miễn giảm thuế thu nhập DN với mục đích chuyển giá.
Đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh có các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các huyện như Đồng Phú, Phước Long, Chơn Thành, Bình Long là các huyện có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN. Nhiều DN ở các địa bàn khác như Bình Dương, TP.HCM… đã đến thành lập DN, đầu tư dự án…
Những DN này chưa hoạt động gì nhiều nhưng cũng có doanh thu và lợi nhuận nhất định. Tuy thế, Nhà nước lại không thu được đồng thuế nào vì họ đang hoạt động trong thời hạn được miễn giảm thuế thu nhập DN theo quy định nói trên.
Hơn nữa, có tình trạng một số DN tại tỉnh Bình Phước có mối liên kết với công ty ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, hoặc được chính những công ty này lập nên để làm nhiệm vụ thu gom nông phẩm, sau đó bán lại cho công ty để xuất khẩu giá cao nhằm chuyển những lợi nhuận về địa bàn được ưu đãi về thuế thu nhập DN.
Công ty tại địa bàn này có lời nhưng lại không phải đóng thuế. Họ đã hợp thức hóa được các khoản lợi nhuận mà không phải đóng một đồng thuế nào cho Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư Đồng Nai khẳng định tình trạng chuyển giá từ các công ty ở địa bàn không đươc ưu đãi đầu tư sang các công ty đang hoạt động ở địa bàn ưu đãi đầu tư còn thời hạn miễn giảm thuế thu nhập DN như nghi vấn chắc chắn là có.
Như vậy, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn kinh tế khó khăn, phát triển các địa bàn này đã bị các DN lợi dụng, trở thành công cụ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Đình Bảo