Ngày nay, sự phát triển của công nghệ mang tới cho đời sống nhiều tiện ích hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng đáng lo ngại không kém.
Nghiện mạng xã hội là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà mỗi thành viên trong gia đình nếu không biết cách sử dụng thông minh sẽ không thể tránh khỏi điều này. Từ người lớn cho tới trẻ em, một khi đã nghiện mạng xã hội đều có những hệ lụy sau đó. Là người lớn trong gia đình, bậc cha mẹ phải có trách nhiệm thức tỉnh thành viên trong gia đình, hơn hết là điều chỉnh lối sống của chính mình.
Lưu ý những điều sau đây để tránh rơi vào trường hợp nghiện mạng xã hội, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Thời gian dành cho mạng xã hội là bao nhiêu trong ngày?
Liệu bạn có trả lời được câu hỏi này hay nó quá quá nhập nhèm giữa công việc và giải trí khiến bạn không phân định rõ ràng được. Hình ảnh thường thấy nhất hiện nay là mỗi người chú tâm vào điện thoại để lướt mạng, bất kể đó là giờ làm, giờ họp, giờ ăn, trước khi đi ngủ.
Thời gian dành cho mạng xã hội chiếm nhiều đến mức chúng ta không thể ngờ tới. Thay vì thời gian đó dành cho gia đình, con cái, những mối quan hệ lành mạnh ngoài đời, cho những cuộc trò chuyện để chia sẻ, hiểu nhau hơn giữa vợ chồng con cái, chúng ta lại dành cho mạng xã hội.
Không thể phủ nhận hết những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhưng phải chi mỗi người đều xem nó như một công cụ giải trí cuối ngày, thay vì ôm khư khư điện thoại dẫn tới những hạn chế đáng tiếc khác.
Liên quan đến giáo dục con cái
Con cái ảnh hưởng rất nhiều từ lối sống của cha mẹ. Cha mẹ sẽ chẳng thể nào nói con đi ngủ sớm trong khi mình còn đang lướt web. Hoặc thay vì đọc sách cho con nghe, hát ru con ngủ, cha mẹ chỉ việc mở clip ra là muốn bài gì cũng có, vừa tiện vừa đỡ phải đọc.
Với lối sống hiện đại này, trẻ em ít có tình cảm từ cha mẹ. Chúng trở nên khô khan khi trưởng thành và không biết thể hiện tình cảm. Chắc chắn rằng đó không phải là điều bạn mong muốn từ con mình?
Ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân
Không riêng chuyện những người nghiện mạng xã hội ít dành thời gian cho gia đình, họ còn có những mối quan hệ mờ ám xuất phát từ mạng xã hội. Nhiều cặp vợ chồng căng thẳng do những nghi ngờ nhau qua việc xử dụng mạng xã hội, từ đó dẫn đến bất hòa, đổ vỡ.
Chưa kể mỗi người có mỗi cách sử dụng mạng xã hội khác nhau. Người thích khoe khoang, người kín đáo. Có người không kiềm chế được cảm xúc, bất cứ chuyện bức xúc nào cũng đưa lên mạng, làm mất thể diện vợ/chồng, dẫn đến mâu thuẫn không thể tháo gỡ.
Làm gương cho con
Ở độ tuổi đến trường, trẻ em cần tập trung học hành và giải trí đúng với lứa tuổi. Đối với gia đình cho trẻ tham gia mạng xã hội quá sớm rất khó kiểm soát. Các em còn quá nhỏ để phân biệt đúng, sai, hay, dở… chưa kể trẻ sẽ bắt chước những thói hư, tật xấu rất nhanh khiến cha mẹ không thể nào lường trước được.
Cha mẹ hãy làm gương cho con cái, nếu muốn con không dùng mạng Internet thì bản thân mình cũng phải hạn chế tối đa.
Thanh Hải